Lưu trữ cho từ khóa: trái đất

Rong biển có thể là giải pháp làm sạch hành tinh và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Từ việc cung cấp nguyên liệu xanh thay thế để sản xuất nhựa sinh học, giảm khí thải nhà kính mêtan và hấp thu khí CO2, rong biển có thể là giải pháp tiềm năng để làm sạch hành tinh của chúng ta và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Từ hàng ngàn năm nay, con người đã khai thác và sử dụng rong biển bằng nhiều cách. Tổ tiên chúng ta đã ăn, nuôi trồng và dùng nó làm phân bón. Ngày nay, chúng ta vẫn sử dụng rong biển trong cả đời sống và công nghiệp. Rong biển được sử dụng để làm thức ăn, các hợp chất chiết xuất từ rong biển được sử dụng trong công nghiệp và sản xuất nhựa tái chế.

Các trang trại rong biển quy mô lớn có thể làm sạch các đại dương trên Trái đất, khôi phục đa dạng sinh học và tăng năng suất nuôi trồng thủy sản. Chúng có thể hấp thu CO2 từ không khí và giúp hạn chế sự phát thải của các khí nhà kính khác. Theo một số nhà nghiên cứu, rong biển thậm chí có thể rất quan trọng trong việc cứu nền văn minh nhân loại.

Tuy nhiên, rong biển vẫn còn một chặng đường dài để thực hiện những tham vọng cao cả đó. Một số quần thể hoang dã đã bị thu hoạch quá mức và tiềm năng của trang trại nuôi rong biển vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Mặc dù vậy, rong biển vẫn là một nguồn nguyên liệu xanh đầy hứa hẹn trong lĩnh vực năng lượng và xử lý môi trường.

Không chỉ là thực phẩm

Nhiều người trong chúng ta vẫn ăn và sử dụng các sản phẩm từ chiết xuất của rong biển mà không nhận ra chúng. Các chất làm đặc trong nước sốt và sữa chua như carrageenan cũng là hợp chất được chiết xuất từ rong biển đỏ. Carrageenan thường được đặt tên là E407 trên bao bì, đây cũng là một thành phần phổ biến được dùng trong nhiều loại mỹ phẩm và kem đánh răng. Sự gia tăng của chủ nghĩa thuần chay trong người tiêu dùng cũng đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất thực phẩm loại bỏ các thành phần có nguồn gốc động vật như gelatine và chuyển sang thay thế bằng chiết xuất rong biển.

Tuy nhiên, rong biển còn đóng vai trò nhiều hơn là một loại thực phẩm. Các chuỗi phân tử dài trong rong biển là rất lý tưởng để sản xuất các hợp chất thay thế nhựa và hiện nay một số loại nhựa sinh học như vậy đã có mặt ở trên thị trường. Công ty khởi nghiệp Notpla của Anh đã sử dụng hỗn hợp rong biển và thực vật để làm ra vật liệu mà họ hy vọng có thể thay thế chai nhựa và túi nước sốt cà chua. Ở Indonesia, công ty khởi nghiệp Evoware đã sản xuất thương mại và đưa ra thị trường ly và đồ chứa thực phẩm làm từ rong biển.

Vậy tại sao là rong biển chứ không phải các loài thực vật khác? Ngô, mía và tinh bột trước đây đã được sử dụng để sản xuất nhựa sinh học. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại cây trồng này để sản xuất nhựa đã gây ra một số lo ngại. Đầu tiên, việc sản xuất nhựa sinh học từ các loại cây lương thực đòi hỏi một khoản đầu tư lớn vào đất đai, phân bón và hóa chất. Thêm vào đó, việc sử dụng các loại cây lương thực này cho việc sản xuất nhựa sẽ gây ra sự cạnh tranh với các nhà máy thực phẩm, điều này có thể dẫn đến tăng giá lương thực và khủng hoảng lương thực.

Rong biển cho đến nay là ứng cử viên tốt nhất cho nhựa sinh học vì nó có thể trả lời cả hai thách thức trên. Lợi thế đầu tiên của rong biển là giá rẻ. Không giống như các loại thực vật trên cạn khác, rong biển có thể phát triển mà không cần phân bón, không chiếm không gian lớn trên đất liền khi mà nó có thể phát triển ngoài biển. Bằng cách sử dụng rong biển để chế tạo nhựa sinh học, việc sản xuất các mặt hàng nông sản làm thực phẩm sẽ không bị ảnh hưởng, do đó sẽ không có sự tăng giá thực phẩm cũng như khủng hoảng lương thực xảy ra.

Việc thu hoạch rong biển hoang dã vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Theo một báo cáo năm 2017, có 32 quốc gia tiến hành thu thập rong biển tự nhiên với sản lượng hơn 800.000 tấn mỗi năm. Với một lượng thu hoạch lớn như vậy, một số quần thể rong biển hoang dã đã bị khai thác quá mức.

Nếu muốn sử dụng rong biển với số lượng lớn, trồng trọt và sản xuất theo hướng các trang trại rong biển là giải pháp tối ưu. Nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam đã tiến hành đẩy mạnh sản xuất rong biển vì những giá trị kinh tế và môi trường của chúng.

Tiềm năng cho việc trồng rong biển ở ngoài khơi là rất lớn. Rong biển có thể được nuôi trồng kết hợp với việc nuôi các loại thủy sản khác như hến, trai, sò và hàu. Tảo bẹ cung cấp nơi trú ẩn cho động vật và loại bỏ khí nitơ dư thừa ở trong nước. Hơn nữa, nghề trồng rong biển yêu cầu bảo trì thấp hơn nhiều so với nông nghiệp trên đất liền. Hạt giống rong biển chỉ cần được gieo vào một mạng lưới nằm dưới mặt nước vài mét. Quá trình phát triển của rong biển cũng không cần phân bón và sau vài tháng là có thể thu hoạch.  

Làm sạch hành tinh

Hiện nay, một trong những nguồn thải ra khí nhà kính nhiều nhất là chăn nuôi. Khoảng 15% lượng khí nhà kính thải ra là từ hoạt động chăn nuôi để lấy thịt. Các vi sinh vật trong đường ruột của bò và các động vật nhai lại khác có chức năng phá vỡ các vật liệu sợi trong thức ăn như cỏ khô và giải phóng các chất dinh dưỡng mà động vật có thể sử dụng. Quá trình này tạo ra khí hydro, tiếp theo đó được các vi khuẩn đường ruột gọi là methanogens tiêu thụ và giải phóng khí mêtan dưới dạng chất thải. Khí mêtan sau đó bị ợ ra khỏi cơ thể động vật và thải vào khí quyển.

Từ năm 2008, nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc thêm rong biển vào thực phẩm của gia súc giúp làm giảm đáng kể lượng khí thải mêtan. Các nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng một loại tảo đỏ có tên Asparagopsis hoạt động rất tốt. Nhóm nghiên cứu của Kebreab, Đại học California, Davis đã thử nghiệm cho 12 con bò ăn rong biển đỏ kết hợp với thức ăn bình thường, kết quả thu được là rất đáng mong đợi.

Trong ba tuần, lượng khí thải mêtan giảm tới 67%. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy rằng việc thêm rong biển vào chế độ ăn của gia súc của họ vẫn có hiệu quả trong vài tháng. Kebreab hiện đang ở trong ban cố vấn của Blue Ocean Barns, tổ chức đang cố gắng để phương pháp này được chấp thuận ở Mỹ.

Mặc dù những nỗ lực giảm lượng khí thải mêtan là một định hướng rất quan trọng để giảm lượng khí thải nhà kính, nó vẫn không đáng kể so với việc giảm lượng khí thải CO¬2. Đó là bởi vì CO2 là tác nhân chính gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu và các hệ quả liên quan như băng tan và nước biển dâng. Đáng chú ý là rong biển cũng có thể trở thành một giải pháp hiệu quả trong việc làm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển.

Quá trình quang hợp diễn ra ở rong biển hoàn toàn có thể hấp thu khí CO2 từ khí quyển. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy các trang trại rong biển thương mại loại bỏ hơn 2,8 triệu tấn CO2 khỏi không khí mỗi năm. Rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn khí nhà kính trên mỗi km vuông, trong khi đó rừng có thể hấp thu khoảng hơn 3.600 tấn mỗi km vuông. Mặc dù việc sử dụng rong biển không hiệu quả như rừng ở trên đất liền, tuy nhiên không gian có thể sử dụng để nuôi cấy rong biển nhiều hơn rừng rất nhiều.

Vấn đề là khí CO2 sẽ được lưu trữ bao lâu ở trong rong biển. Nếu chúng ta sử dụng rong biển làm thực phẩm thì lượng cacbon này sẽ được thải trở lại môi trường. Ngoài ra, rong biển có thể được chế biến để làm nhiên liệu sinh học, có thể thay thế dầu và khí đốt. Những lĩnh vực này là đầy hứa hẹn nhưng vẫn dẫn đến việc CO2 được giải phóng trở lại khí quyển.

Nhiều kịch bản khác cũng được xây dựng nhằm giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới mức 2℃ bằng cách thu thập CO2 từ không khí và chôn xuống lòng đất. Nói một cách đơn giản là cây trồng sẽ được sử dụng làm nhiên liệu sinh học để đốt và cung cấp năng lượng, sau đó lượng CO2 thoát ra sẽ được giữ lại và chôn xuống lòng đất.

Giải pháp này đòi hỏi nhiều đất đai, đe dọa đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, nếu thay thế cây trồng bằng rong biển để làm nhiên liệu sinh học thì có thể cung cấp một cách để loại bỏ CO2 mà không có bất kỳ tác động tiêu cực nào.

Một ý tưởng tương tự đã được nêu ra bởi Tim Flannery ở Australian Museum, Sydney. Kế hoạch của ông vừa đơn giản lại vừa táo bạo. Ông muốn tạo ra những trang trại khổng lồ trồng rong biển trong đại dương và sau đó nhấn chìm tất cả vùng sinh khối này xuống biển cùng với tất cả lượng CO2 mà nó đã hấp thu từ khí quyển. Nhiều ý tưởng tương tự cũng đã được đề xuất trước đây.

Vào năm 2012, Antoine de Ramon N’Yeurt tại Đại học South Pacific, Suva ước tính rằng với việc bao phủ 9% đại dương bằng rong biển có thể làm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển xuống mức như ở thời kỳ tiền công nghiệp. Đó là một diện tích gần gấp đôi nước Nga và gấp hơn 10 lần toàn bộ diện tích chiếm bởi rong biển ngày nay bao gồm cả tự nhiên và trồng trọt.

Hiện nay, Flannery đã thành lập Quỹ Ocean Forests và tập hợp các chuyên gia từ các lĩnh vực liên quan để tìm hiểu xem ý tưởng này có khả thi hay không và làm thế nào để tiến hành. Hiện tại dự án đang trong giai đoạn tạm dừng vì đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng còn nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh tính khả thi và hệ quả của dự án này đến môi trường.

Nếu điều này được thực hiện ở quy mô lớn liệu nó có tác động đến chu trình nitơ trong tự nhiên hay không? Việc nhấn chìm một lượng lớn rong biển xuống đáy biển có gây nên sự thiếu oxy và gây hại đến môi trường sống của các sinh vật khác? Kết quả thu được có xứng đáng với những chi phí bỏ ra? Thêm vào đó, tại một hội nghị năm 2019, Peter Liss tại Đại học East Anglia, Anh đã đưa ra sự phản đối rằng rong biển có thể giải phóng các khí có chứa halogen sẽ gây nên những biến đổi trong hóa học khí quyển.

So với ý tưởng táo bạo của Flannery thì những cách tiếp cận ít quyết liệt hơn như sử dụng rong biển làm nhiên liệu sinh học và sau đó chôn lấp CO2 sẽ dễ quản lý hơn. Mặc dù trên thực tế mỗi phương án đều còn những vấn đề về lý thuyết và kỹ thuật cần giải quyết trước khi được tiến hành, những ý tưởng mới mẻ về sử dụng rong biển trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính là rất khả thi và đáng mong đợi.

(nguồn moitruong.com.vn)

Giảm rác thải trong nhà bếp để bảo vệ môi trường

Từ túi nhựa cho đến màng bọc thực phẩm, nhà bếp của chúng ta đang thải ra một lượng lớn rác thải mà đáng lẽ có thể giảm thiểu. Việc loại bỏ những vật dụng sử dụng một lần không chỉ tốt cho môi trường mà còn là một cách để tiết kiệm.

Chúng ta vẫn đang sử dụng nhiều đồ dùng sử dụng một lần trong nhà bếp đơn giản vì chúng tiện lợi và không cần tốn công sức chùi rửa và lưu trữ.

Chỉ cần bạn nhìn vào lượng rác thải ra hằng ngày từ nhà bếp và tự hỏi liệu chúng ta có thật sự cần những vật dụng này khi mà chúng ta hoàn toàn có thể thay thế chúng với những sản phẩm có thể tái sử dụng.

Những sản phẩm có thể tái sử dụng thường sẽ có giá cao hơn những vật dụng sử dụng một lần. Tuy nhiên, nó sẽ được dùng trong một thời gian lâu hơn và giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về dài.

Điều quan trọng đầu tiên là xem xét một vật dụng có thực sự chỉ được sử dụng một lần hay không. Chỉ bởi vì các nhà sản xuất gán mác chỉ sử dụng một lần cho sản phẩm, không có nghĩa là chúng thực sự không thể tái sử dụng.

Màng nhôm bọc thực phẩm sau khi sử dụng có thể được rửa sạch và sử dụng lại một vài lần trước khi vứt đi. Các túi nhựa hay túi ziplock cũng hoàn toàn có thể được tái sử dụng mà không có sự khác biệt nào. Giấy nướng bánh thường có thể được lau sạch và tái sử dụng một vài lần trước khi bỏ đi.

Một vài cách khác để giảm lượng vật dụng dùng một lần trong nhà bếp

Khăn giấy: sử dụng khăn vải hoặc sử dụng những miếng vải cũ để lau vết bẩn và sau đó giặt sạch trước khi sử dụng lại. Hay sử dụng những cuộn khăn không làm từ giấy, thường đã được cắt sẵn và có thể tái sử dụng để hấp thụ chất lỏng.

Thùng rác: các bao bì thực phẩm, bánh kẹo, hay những tờ báo cũ đều có thể sử dụng để lót thùng rác hay làm túi rác. Điều này giúp bạn không cần phải mua túi rác.

Giấy nướng bánh: ngoài việc tái sử dụng giấy nướng bánh một vài lần trước khi bỏ đi, bạn có thể thay thế chúng bằng tấm nướng silicone. Silicone chịu nhiệt tốt hơn giấy và không thấm dầu nên có thể tái sử dụng nhiều lần. Chưa kể đến việc có một số nhãn hiệu giấy có một lớp nhựa mỏng trên bề mặt và có thể xuất ra clo ở nhiệt độ cao.

Màng nhôm (hay giấy bạc): nếu bạn sử dụng giấy bạc để bọc thức ăn thừa, hãy xem xét chuyển sang sử dụng những vật dụng thay thế có thể tái sử dụng.

Túi ziplock: túi đựng silicone cứng và bền hơn túi nhựa và có thể tái sử dụng lâu dài. Nó còn an toàn khi sử dụng trong lò nướng, lò vi sóng và máy rửa chén.

Thanh xiên gỗ: có thể thay thế bằng những nhánh hương thảo bằng cách loại bỏ lá và dùng phần thân. Ngoài ra, sử dụng thanh xiên làm bằng kim loại giúp thức ăn chín nhanh hơn.

Ống nhựa: thay thế bằng những ống tre, thép không gỉ, kim loại hoặc silicone.

Lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh không cần túi nhựa

Giấy sáp: thường hay được sử dụng để nướng bánh. Chúng thường được bọc một lớp sáp (thông thường là sáp ong hay sáp từ thực vật) để tạo nên tính không thấm nước và thông thoáng. Giấy sáp là rất hữu dụng để bọc phô mai, những sản phẩm đã cắt và dùng để phủ chén hay đĩa.

Các hộp thủy tinh: Những hộp thủy tinh sẽ tạo ra môi trường có độ ẩm cao và giảm héo. Chúng cũng có khả năng giữ mùi tốt. Bạn có thể dùng những lọ thủy tinh, hộp nhựa cũ hay hộp cơm cũ để chứa thực phẩm. Tốt nhất nên chọn loại thủy tinh an toàn với lò nướng vì bạn có thể xài chúng như bát đĩa.

Khăn ẩm: rau củ quả có thể được bảo quản tốt bằng cách bọc bằng một chiếc khăn ẩm (không quá ướt).

Túi silicone: Những túi đựng silicone này chiếm ít không gian trong tủ lạnh hay tủ đông hơn các hộp chứa. Và tất nhiên chúng có thể được tái sử dụng nhiều lần. Chúng cũng đa năng hơn túi nhựa: túi silicone có thể chống rò rỉ chất lỏng ra ngoài, an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng và máy rửa chén, có thể chịu được nhiệt độ trên 200℃.

Ngoài ra, đơn giản chỉ cần đặt một chiếc đĩa lên một bát đựng đồ ăn thừa cũng có thể giúp bảo quản thức ăn trong ngày.

Không nhất thiết là bạn phải vứt đi những hộp nhựa bạn đang có để thay thế bằng những hộp thủy tinh hay túi silicone. Đừng cảm thấy áp lực loại bỏ những vật dụng bằng nhựa ngay lập tức. Cố gắng không xả rác luôn tốt hơn bằng cách sử dụng những gì bạn đang có. Hoặc bạn có thể dùng chúng cho các mục đích khác như trồng cây.

Quan trọng là bạn cắt giảm việc mua những túi nhựa hay khăn giấy và bổ sung thêm những sản phẩm có thể tái sử dụng vào trong nhà bếp của bạn.

(nguồn moitruong.com.vn)

Cách Hàn Quốc quản lý rác thải để trở thành một trong những nước sạch nhất thế giới

Sự đầu tư của chính phủ vào hệ thống phân loại và xử lý rác thải cùng với việc coi trọng giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường là hai yếu tố quan trọng nhất giúp Hàn Quốc trở thành một trong những đất nước “xanh-sạch-đẹp” nhất thế giới.

Hàn Quốc là một nước đông dân, với dân số bằng hơn một nửa dân số Việt Nam sinh sống trên một diện tích lãnh thổ chỉ bằng 1/3 Việt Nam. Mật độ dân số của thủ đô Seoul cao gấp 4 lần Tp. Hồ Chí Minh và gấp 8 lần thủ đô Hà Nội.

Với một nền công nghiệp phát triển và một mật độ dân cư cao như vậy, làm cách nào Hàn Quốc có thể quản lý rác thải một cách hiệu quả?

Sau đây là một số quy định được áp dụng trong quản lý rác thải sinh hoạt ở Hàn Quốc.

Rác thải bắt buộc phải được phân loại

Nói đến việc đổ rác ở Hàn Quốc không đơn giản chỉ là gom rác vào túi và bỏ vào thùng rác mà là “phân loại và đổ rác”. Nó là cả quá trình phức tạp đòi hỏi người dân phải nắm rõ cách phân loại các loại rác cho đúng.

Nhìn chung rác được phân thành 4 loại chính:

– Rác thông thường: bao gồm những loại rác trong gia đình như giấy vệ sinh, xương động vật, vỏ sò,…

– Rác thực phẩm: thức ăn thừa, rau quả,…

– Rác tái chế: giấy, bìa carton, chai nhựa, lon kim loại,…

– Rác khác: rác điện tử, vật dụng lớn,…

Phải mua túi đựng rác riêng biệt cho mỗi loại rác

Mỗi loại rác sau khi phân loại phải được đựng trong mỗi loại túi riêng biệt với màu sắc khác nhau. Nếu không sử dụng đúng loại túi, rác sẽ không được thu nhận và bạn sẽ phải phân loại lại và nộp phạt.

Túi đựng rác được bán ở siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi với giá khá cao (ví dụ bạn phải trả khoảng 50.000 vnd cho 10 túi rác cỡ vừa). Điều này không những giúp làm giảm lượng rác thải ra mà còn cung cấp ngân sách cho các chi phí trong xử lý rác thải. Nói cách khác, người xả rác phải trả tiền cho nhà nước để xử lý rác của mình.

Thời gian đổ rác được quy định

Thời gian đổ rác được quy định từ 20h tối đến 24h tối, rác sẽ được thu gom vào sáng hôm sau. Chỉ được đổ rác vào các ngày trong tuần và chủ nhật. Không được đổ rác vào thứ 7 (chủ nhật không thu gom rác).

Việc quy định thời gian cụ thể của việc đổ rác và nhận rác giúp đường phố và các khu dân cư ở Hàn Quốc luôn sạch sẽ, không có tình trạng rác chất thành đống bóc mùi gây mất cảnh quan đô thị. Bằng cách này Hàn Quốc đã rất thành công trong việc xây dựng một hình ảnh sạch đẹp trong mắt của khách du lịch.

Không phân loại rác sẽ bị phạt

Không phân biệt là người Hàn hay người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, mọi người đều phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về phân loại rác nếu không muốn bị phạt.

Hình phạt về rác thải ở Hàn Quốc rất cao. Đổ rác không sử dụng túi đổ rác theo quy định bị phạt khoảng 4 triệu đồng, đổ rác trước nhà người khác bị phạt 1 triệu đồng, đổ rác ở nơi không đúng quy định bị phạt 2 triệu đồng,… Nhiều người nước ngoài do không quen với những quy định xử lý rác thải này đã phải đóng tiền phạt.

Việc phát hiện đổ rác sai phạm cũng không khó bởi vì mọi tuyến đường, góc phố, khu dân cư đều có camera theo dõi. Chỉ cần bạn vi phạm thì ngay hôm sau sẽ có giấy báo nộp phạt gửi về tận nhà yêu cầu nộp phạt tại các khu dân sự.

Ngoài những khu đổ rác quy định, thì rất khó để kiếm ra những thùng rác trên đường phố Hàn Quốc. Lý do cho việc này là ngăn chặn việc xả rác bừa bãi, không phân loại vào thùng rác. Thay vào đó, người đi đường thường phải mang theo rác về nhà hoặc đến công ty để bỏ vào thùng rác quy định.

Giáo dục trẻ em ngay từ nhỏ về phân loại và đổ rác

Có thể nói thành công trong việc xây dựng một hệ thống xử lý rác thải chuyên nghiệp và khoa học như hiện nay của Hàn Quốc đến từ việc chú trọng yếu tố con người. Người dân Hàn Quốc ngay từ nhỏ đã được giáo dục rất kỹ về nhận biết các chất liệu, thu gom và phân loại để đổ rác đúng quy định.

Trên tất cả, mấu chốt cho sự phát triển kinh tế cũng như thành công trong công tác bảo vệ môi trường đều đến từ yếu tố con người. Cách mà hệ thống giáo dục xây dựng ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sẽ quyết định đến những tiến bộ trong việc bảo vệ môi trường sống.

Việt Nam hiện đang còn thiếu thốn về nhiều mặt như cơ sở vật chất và chính sách quản lý để thu gom, phân loại và xử lý rác hiệu quả. Tuy nhiên, xu hướng sống xanh đang ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng, khi mà ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.

Đây rõ ràng là xu thế tất yếu của toàn thế giới và sẽ rất nhanh thôi chúng ta cũng phải học hỏi những tiến bộ của nước khác để áp dụng vào đất nước mình.

(nguồn moitruong.com.vn)

Nhà không tiêu thụ năng lượng đang trở thành cơn sốt

Những ngôi nhà không tiêu thụ năng lượng đang trở thành một cơn sốt mới tại quốc gia mặt trời mọc Nhật Bản. Nhà không tiêu thụ năng lượng sử dụng các tấm năng lượng mặt trời để cung cấp nguồn điện và nước nóng hiệu quả. Khả năng cách nhiệt của ngôi nhà khá tốt. Mỗi ngôi nhà như vậy đều sử dụng loại kính hai lớp, đèn trong nhà chủ yếu là loại đèn đi-ốt phát sáng tiết kiệm năng lượng.

Chính phủ Nhật Bản đang hy vọng sẽ sớm phát triển thành công hệ thống nhà không tiêu thụ năng lượng từ nay tới năm 2020. Khi đó mỗi ngôi nhà tại Nhật có thể tiết kiệm từ 40-50% nhu cầu năng lượng so với một ngôi nhà thông thường.

Theo nhật báo Nikkei, những ngôi nhà không tiêu thụ năng lượng đang trở thành một cơn sốt mới tại quốc gia mặt trời mọc, đặc biệt kể từ khi Nhật Bản cam kết cắt giảm 26% lượng khí thải CO2 từ nay tới năm 2030 tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 20) diễn ra vào hồi cuối tháng 12/2015.

Xu hướng tất yếu

Một ngôi nhà không tiêu thụ năng lượng tại khu dân cư Yokohama, phía nam Tokyo trông như mọi ngôi nhà bình thường. Tuy nhiên, ngôi nhà này được trang bị một hệ thống năng lượng mặt trời ở trên nóc nhà.

Trong những ngôi nhà này, toàn bộ năng lượng hấp thu từ mặt trời sẽ được điều tiết bằng hệ thống quản lý năng lượng mặt trời (HEMS).

Nhà không tiêu thụ năng lượng sử dụng các tấm năng lượng mặt trời để cung cấp nguồn điện và nước nóng hiệu quả. Khả năng cách nhiệt của ngôi nhà khá tốt. Mỗi ngôi nhà như vậy đều sử dụng loại kính hai lớp, đèn trong nhà chủ yếu là loại đèn đi-ốt phát sáng tiết kiệm năng lượng.

Tường nhà sử dụng loại vật liệu cách nhiệt hiệu quả cao. Do đó, hệ thống điều hòa không khí sẽ có thể phát huy tối đa hiệu quả.

Chủ một ngôi nhà không tiêu thụ năng lượng, ông Yamashita cho biết: “Tôi rất ít khi bật điều hòa trong mùa hè hoặc mùa đông. Không gian thất sự rất thoải mái”.

Một hệ thống nhà tiết kiệm năng lượng tại Nhật Bản cũng giúp tiết kiệm tiền. Năm ngoái, Yamashita đã tiết kiệm được tới 685 USD nhờ vào hệ thống tiết kiệm năng lượng đồng bộ.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, một ngôi nhà không tiêu thụ năng lượng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như sau:

– Tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn ít nhất 20% so với các ngôi nhà truyền thống.

– Nhà cần đủ độ kín để tận dụng tối đa hiệu suất của điều hòa không khí và các thiết bị đun nước.

– Nhà cần có hệ thống thông gió hiệu quả.

– Sở hữu hệ thống năng lượng mặt trời hoặc các hệ thống năng lượng tái tạo khác để cung cấp điện năng cho toàn bộ ngôi nhà.

Hồi cuối năm ngoái, Bộ Kinh tế Nhật Bản đã vạch ra một chiến lược xây dựng nhà không tiêu thụ năng lượng tại quốc gia này. Trong đó, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ sớm xây dựng mới hơn một nửa số nhà theo tiêu chuẩn trên trước năm 2020.

Áp lực phải thay đổi trước khi không thể kiểm soát

Kể từ cú sốc giá dầu vào năm 1973, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Nhật Bản đã giảm 20% trong nhóm kinh doanh nhưng tăng gấp đôi trong nhóm dân cư. Mặc dù các thiết bị gia dụng ngày càng hiện đại và tiết kiệm điện hơn, tuy nhiên số lượng các thiết bị như vậy lại không ngừng tăng lên qua từng năm.

Để khuyến khích người dân tham gia xây nhà không tiêu thụ năng lượng, Chính phủ Nhật đã trợ cấp khoảng 12,4 ngàn USD (khoảng 276 triệu đồng) cho mỗi hộ gia đình trong năm 2016. Hai năm trước, khi Yamashita xây nhà, ông đã nhận được khoản trợ cấp từ phía Chính phủ. Nhờ đó, ông đã tiết kiệm được tới 19,9 ngàn USD (khoảng 441 triệu đồng) trong quá trình xây nhà.

Kenichi Ishida, một nhân viên quản lý tại Sekisui House, công ty ký hợp đồng xây nhà của Yamashita cho biết, nhà không tiêu thụ năng lượng không gây nên bất kỳ sự bất tiện nào. Công ty ước tính, một ngôi nhà như vậy có thể giảm nhu cầu sử dụng năng lượng từ 40-50% so với các hộ gia đình khác.

Trong năm 2015, gần 70% nhà do Sekisui House xây dựng đều là những ngôi nhà thuộc dạng không tiêu thụ năng lượng.

Nếu xu hướng nhà tiết kiệm năng lượng tiếp tục được nhân rộng tại Nhật Bản, đây sẽ là điển hình tuyệt vời để các nước đang phát triển, gồm Việt Nam có thể áp dụng để giải quyết hài hòa bài toán liên quan đến tiêu thụ năng lượng và áp lực dân số.

(nguồn moitruong.com.vn)

Biến rác thải nhựa thành nhiên liệu

Để giải quyết vấn đề rác thải hiện nay, con người cần biến rác thải nhựa thành hàng hóa có thể sử dụng như nhiên liệu hydrocarbon lỏng. Nhờ những cải tiến về kỹ thuật mới đây, người ta đã có thể chuyển hàng tỷ tấn nhựa không tái chế được thành nhiên liệu cho động cơ cho các loại ô tô, thay vì phải đem chôn, vừa tốn tiền vừa gây bất ổn cho môi trường.

Thông thường các loại vật liệu nhựa, như bao bì đựng khoai tây chiên, túi nylon đựng các loại thực phẩm ướt át, và những loại nhựa khác mà không thể tái chế, sẽ được chở trực tiếp đến các bãi chôn rác. Tuy nhiên, nhờ những cải tiến về kỹ thuật mới đây, người ta đã có thể chuyển hàng tỷ tấn nhựa không tái chế được thành nhiên liệu cho động cơ cho các loại ô tô, thay vì phải đem chôn, vừa tốn tiền vừa gây bất ổn cho môi trường.

Theo Science Alert, polyethylene là loại nhựa phổ biến nhất trên thế giới, tạo ra gần như tất cả mọi thứ từ bao bì thực phẩm, chai nhựa, màng chất dẻo cho đến túi nylon. Trung bình mỗi năm có khoảng 100 triệu tấn nhựa polyethylene được sản xuất.

Hầu hết rác thải nhựa do con người tạo ra được tập trung ở các bãi rác, bị chôn dưới đất hoặc tích tụ trong các đại dương tạo thành những đảo rác khổng lồ trôi nổi. Theo dự kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 1/2016, trong các đại dương cứ ba tấn cá sẽ có một tấn rác thải nhựa tính đến năm 2025 và nhựa nhiều hơn cá vào năm 2050.

Để giải quyết vấn đề này, con người cần biến rác thải nhựa thành hàng hóa có thể sử dụng như nhiên liệu hydrocarbon lỏng. Polyethylene được làm từ các loại nhiên liệu hóa thạch, nhưng việc chuyển đổi polyethylene trở lại thành phần như ban đầu đặt ra thách thức lớn, vì nhựa là hợp chất hóa học bền vững.

“Nếu bạn vứt nhựa ra biển hoặc chôn dưới lòng đất, nó vẫn tồn tại ở đó hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm”, Zhibin Guan, nhà hóa học tại Đại học California, Irvine, Mỹ, cho biết.

Cấu trúc nhựa polyethylene có những liên kết đơn nguyên tử rất ổn định. Nếu đun nóng nhựa ở nhiệt độ cao hơn 400 độ C, các liên kết trong phân tử bị tách rời theo nhiều cách khác nhau tạo ra hỗn hợp của khí, dầu, sáp, than.

Để khai thác tối đa hiệu quả xử lý rác thải nhựa cũng như kiểm soát sản phẩm tạo ra, Guan và nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa học Hữu cơ Thượng Hải, Trung Quốc, phát minh một kỹ thuật tái chế nhựa tiêu tốn ít nhiệt hơn.

Các nhà khoa học trộn nhựa với chất xúc tác là hợp chất hữu cơ kim loại. Hợp chất xúc tác này được tạo ra bằng cách trộn các phân tử sẵn có với iridium kim loại. Phản ứng khiến liên kết của nhựa suy yếu và dễ tách rời. Sau đó, nhóm nghiên cứu phá vỡ, thêm, sắp xếp lại cấu trúc của polyethylene để tạo ra một loại nhiên liệu diesel có thể dùng cho phương tiện chạy bằng điện và các loại động cơ khác.

Indonesia làm giàu bằng nhiên liệu tái chế từ ‘biển rác’

Indonesia là quốc gia thải rác vào đại dương nhiều thứ hai trên thế giới. Giờ đây, một số cư dân của thủ đô Jakarta, bất mãn trước cả “biển rác” được thải ra mỗi ngày ở khắp các đô thị, đã tìm cách tự tiếp cận vấn đề nhức nhối này.

Nổi bật trong số đó là Hamidi, một “nhà khởi nghiệp xanh” trẻ. Hamidi đã bắt đầu sáng kiến biến chất thải thành năng lượng của mình một năm trước tại TP Tangerang các Jakarta 25 km về phía tây.

Anh cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ muốn tự khởi nghiệp nhưng dần dần tôi tìm hiểu về vấn đề rác thải ngày càng nặng trong môi trường và tôi nghĩ rằng đây là vấn đề cần phải được giải quyết.”

Hamidi có thể tái chế được hơn 25 kg chất thải hằng ngày bằng cách đốt cháy nhựa và chưng cất hơi nước thành nhiên liệu lỏng.

(nguồn moitruong.com.vn)