Lưu trữ cho từ khóa: phạm văn

Anh ngữ sinh động bài 340 (nâng cao)

Giáo viên: thầy Phạm Văn

MỞ ĐẦU

“Vì em sống mãi trong tình thơ ta”   

Ðể thay đổi chủ đề thường lệ của bài học, hôm nay, trong bài học cuối cùng của chương trình, trước khi giới thiệu với quí vị một bài thơ nổi tiếng– thơ làm cái đẹp bất tử–xin kể hầu quí vị một câu chuyện. Số là có một cô gái mơn mởn đào tơ, đang kén chồng. Có ba chàng trai đều cùng nhắm cô.

Chàng thứ nhất ví rằng:

Ước gì anh hoá kiến vàng,
Bò lên bò xuống má nàng ngắm chơi

Nghe xong lời chàng thứ nhất, cô gái nghĩ lung lắm. Con kiến tượng trưng sự cần kiệm, biết tổ chức, siêng năng, có óc hợp quần, người đàn ông có những đức tính đó có thể mang lại cho cô một cuộc đời no ấm, đầy đủ chăng.

Còn chàng trai ví mình như con kiến cũng khéo lắm: còn có vị trí nào nhìn rõ người đẹp hơn? Anh đứng trên má nàng, nhìn đôi mắt nàng, gò má cao, sống mũi dọc dừa, làm môi mọng đỏ. chiếc cầm nhọn, mái tóc dải. Mà anh chàng  cũng can đảm: rủi nàng thấy ngưa ngứa, bàn tay búp măng đập mạnh vào má: “Cái con kiến này, ở đâu mà dám leo lên tận đây…?”

Trong lúc cô gái nghe và có vẻ xiêu lòng, thì chàng trai thứ hai nói:

Ước gì anh hoá ra dơi,
Bay lên đáp xuống giữa nơi nàng nằm.

Con dơi tượng trưng sức mạnh. Dù không thể nhìn bằng mắt trong đêm tối nhưng dơi có một hệ thống đo âm vang lại như radar nên biết trước mặt có tường chắn hay không. Nó lại biết bay vào phòng riêng của nàng, biết đậu dốc đầu xuống đất để “nhìn” thân hình kiều mị của nàng từ một góc nhìn đặc biệt như một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật.

Cô gái chọn chàng gymnast này chăng?

Thì lúc đó, cô nghe anh thứ ba ngâm rằng:

Ước gì anh hoá ra tằm
Nhả tơ dệt lụa, đêm nằm với em.

Quí vị ở nhà quê vùng châu thổ Bắc Việt thì thấy bên ngoài đường đê có những cánh đồng dâu chạy dọc.  Nhà quê trồng dâu để nuôi tằm. Những con ngài kết hợp với nhau rồi đẻ ra nhiều trứng. Trứng đó nở ra những con tằm nhỏ. Người chăn tằm phải rắc dâu thái nhỏ lên những cái nong; tằm ăn hết lá dâu rồi leo lên trên cọng dâu, người ta phải thay dâu mới (“ăn như tằm ăn rỗi”). Tằm lớn dần, người nuôi tằm đem tằm ra những khung tre có rắc rơm để những con tằm bắt đầu nhả tơ kéo thành kén, lúc đầu mầu trắng nhạt sau thành mầu vàng óng. Người nuôi tằm gỡ những con kén bỏ vào rổ, đem thả vào nồi nước sôi, dùng đũa dài kéo sợi và cuộn những sợi tơ thành những cuộn tơ. Sau đó người dệt tơ mới dệt thành lụa để may áo, thứ tơ mỏng, mềm, mịn và mượt, mà thi sĩ Nguyên Sa đã viết thành bài thơ “Áo Lụa Hà Ðông”. Thử tưởng tượng: từ lúc tằm nhả tơ đến khi tơ dệt thành lụa, may thành áo cho ngườì con gái, rồi người con gái mặc chiếc áo mỏng: thế thì có phải lúc đó chàng trai–hay nói cho đúng hơn—là con tằm—đã nhả hết tơ để dệt thành lụa. Dù thành nhộng chết rồi mà vẫn còn gần người đẹp, nghe tiếng tim nàng thổn thức…
Con tằm có khác chi nhà thơ: “Vắt óc làm thơ để hiến đời/Nhưng đời nào hiểu tường trò chơi.. (Tô Giang Tử).

Cách đây hơn 400 năm có một thi sĩ cũng ví người đẹp trong một bài tình thi.

Em có muốn ta ví em như mùa hạ chăng? Không, em đẹp hơn và dịu hiền, đầm tính, điềm đạm hơn nhiều. Những cơn gió mạnh tháng Năm làm rung những nụ hoa đáng yêu. Mà mùa hạ thì ngắn ngủi quá. Ðôi lúc mặt trời nóng quá. Rồi có lúc ánh nắng vàng lại bị mây che đi; và mọi vật xinh đẹp rồi cũng tàn vì rủi ro hay vì định mệnh thiên nhiên an bài. Nhưng vẻ thanh xuân của em không bao giờ phai nhạt. Em cũng chẳng bao giờ mất vẻ đẹp vĩnh cửu mà em có. Mà thần chết cũng chẳng thể khoe khoang sẽ đưa em vào bóng tối của nó, vì những dòng thơ bất tử ta tả sắc đẹp của em sẽ làm em sống mãi. Ngày nào mà con người còn thở, mắt người còn trông được, ngày nào những vần thơ này còn thì vẻ đẹp của em mà ta mô tả sẽ mãi mãi ở trong lời thơ và em sẽ sống mãi.

Ðó là đại ý bài tình thi số 18 trong tập thơ sonnets gồm 154 bài của nhà thơ và kịch tác gia Anh William Shakespeare, 1564-1616. Tôi xín đọc và sau đó chuyển sang văn vần.

Sonnet XVIII

Shall I compare thee to a summer’s day?
Thou art more lovely and more temperate:
Rough winds do shake the darling buds of May,
And summer’s lease hath all too short a date;
Sometime too hot the eye of heaven shines
And often is his gold complexion dimm’d;
And every fair from fair sometime declines,
By chance or nature’s changing course untrimm’d;
But thy eternal summer shall not fade
Nor lose possession of that fair thou ow’st;
Not shall Death brag thou wand’rest in his shade,
When in eternal lines to time thou grow’st:
So long as men can breathe or eyes can see,
So long lives this and this gives life to thee.

William Shakespeare, during 1590s

Words

Thee=(object) you
Thou art=old use of you are
Temperate= moderate, even-tempered
Hath=old use of has.
Eye of heaven= the sun.
Darling buds= delicate buds of flowers
Summer’s lease=summer does not last long enough, mùa hè ví như thời gian trời cho con người thuê, quá ngắn.
And every fair from fair sometime declines: the beauty (fair) of everything beautiful (fair) will fade: sắc dẹp nào rồi cũng sẽ tàn theo thời gian,
Gold complexion: golden face of the sun, ánh nắng vàng của mặt trời.
Dimmed= dimmed by clouds, (mặt trời) bị mây che mờ đi.
Chance= misfortune, destiny: vận may rùi, định mệnh run rủi, an bài.
Nature= không phải nghĩa là thiên nhiên như ta hiểu bây giờ nhưng có nghĩa là natural order, một trật tự vận hành trong trời đất, trong đó có số mệnh của con người Shakespeare viết tập sonnets trong những năm 1590s ở London lúc đó đang có bịnh dịch hạch.
Untrimmed= unadorned, ungoverned (course of nature)  Không tô điểm, tự nhiên, không kiềm chế.
By chance or nature’s changing course untrimmed: hoậc vì rủi ro hay vì chẳng cưỡng lại được định mệnh thiên thiên của tạo hoá, either by accident or simply because of the due course of nature.
eternal summer=your immortal beauty won’t fade, vẻ đep vĩnh cửu của em không bao giờ tàn tạ
brag: khoe khoang
shade: bóng râm, nghĩa bóng: uy quyền của Thần chết, his underworld .
ow’st= 2 meanings: own and owe. The beauty that you possess. Sắc đẹp của em.
Grow’st= grow. To time thou growest: your beauty grows through time. (trong thơ ta, vẻ đẹp của em càng tăng thêm theo thời gian)
lose possession of that fair thou owest: lose your beauty.
wander=đi lạc vào vùng của Tử thần
Iambic pentameter= thơ 5 chân (metrical feet), nhẹ vần đầu, mạnh vần hai.
Rhyming scheme of a Shakepearean sonnet: ha câu cuối gọi là couplet.
Abab cdcd efef gg

Phỏng dịch

Tình thi số 18
Muốn ta ví em như ngày hạ?
Vẻ xinh tươi óng ả khôn tầy,
Gió ào rung nụ hây hây,
Ngày hè ngắn ngủi không đầy vốc tay.
Cũng có buổi gặp ngày nắng gắt,
Ánh nắng vàng mây hắt mờ đi.
Vẻ tươi nhưng cũng có thì,
Vận trời thay đổi không di chẳng dời.
Nhưng mùa hạ nơi em bất diệt,
Vẻ mĩ miều tuyệt đẹp tuyệt xinh.
Tử thần chẳng dám dụ mình,
Vì em sống mãi trong tình thơ ta.
    Còn người còn kẻ ngâm nga,
    Vần thơ trác tuyệt nét hoa ngàn đời.
(P.T.L. phỏng dịch, 1995)

Tôi bắt đầu bài này bằng câu chuyện ba chàng trai cùng yêu một người con gái đẹp nhưng mục đích là để dẫn quí vị vào một bài thơ tình nổi tiếng của Shakespeare trong đó vẻ đẹp gợi thành thơ và thơ làm vẻ đẹp vĩnh cửu. Theo lời thơ của bài tình thi, người thơ ngụ ý nói “vì em sẽ sống mãi trong tình thơ ta”…In my poem you are immortal.

Bài thơ tình này được xếp thứ 23 trong 100 bài thơ tiếng Anh được in nhiều nhất trong các tuyển tập cho học sinh và sinh viên, theo gs William Harmon tác giả cuốn THE TOP 500 POEMS (New York: Columbia University Press,1992).

Quí vị có thể nghe giọng đọc bài sonnet 18 của kịch sĩ đại tài chuyên đóng kịch Shakespeare người Anh là Sir John Gielgud. Toàn tập 154 bài sonnets có bán qua Amazon.com
Xin vào Google, gõ vào hàng chữ “Sonnet 18 read by John Gielgud.”

Phạm Văn xin kính chào tạm biệt quí vị thính giả.

(nguồn voatiengviet)

Anh ngữ sinh động bài 339 (nâng cao)

Giáo viên: thầy Phạm Văn

MỞ ĐẦU

Ðây là chương trình Anh Ngữ sinh động bài 339. Phạm Văn xin kính chào quí vị thính giả.

Trong bài học hôm nay, ta học về hình thức của động từ trong mệnh đề phụ (dependent clause) khi mệnh đề chính diễn tả một ước muốn, nghỉ là bắt đầu bởi I wish hay he/she wishes. Phần 2 là hình thức của động từ trong mệnh đề phụ sau as if hay as though(dường như) và phần 3 là ôn lại những mệnh đề chỉ điều kiện if clauses căn bản.

Phần 1. Hình thức của động từ trong mệnh đề phụ khi mệnh đề chính dùng wish.

Có ba loại: hỉện tại, quá khứ và tương lai.

Ðộng từ sau wish. Ðộng từ trong mệnh đề phụ tiếp theo mệnh đề chính trong đó có động từ WISH
Những câu bắt đầu bởi I wish hay he/she wishes, v.v… bắt buộc phải dùng một động từ ở bàng thái cách subjunctive verb ở mệnh đề phụ đi theo. Có thể là một lời ước mong một chuyện khó xảy ra ở hiện tại hay quá khứ hay tương lai.

1. =>Ðể diễn tả điều ước mong ở hiện tại trong câu mệnh đề phụ, hãy đặt động từ ở thì quá khứ. Thí dụ:

(Sự thật: Tôi không biết giải bài toán khó (hay vấn đề khó khăn) này. Bạn ước: I wish I knew how to solve this problem, Tôi mong sao mình giải được bài toán (hay vấn đề nan giải) khó này. (But, in fact, I don’t know how to solve it).

(Sự thực: tôi không dự tiệc bạn mời được vì hôm ấy tôi bận)  Bạn ước: I wish I couldattend your party. But I can’t.
I ước sao tôi có thể dự tiệc bạn mời nhưng tôi không thể đến dự được. (But I can’t because I am on duty that day, hôm đó tôi phải trực).

2. Ghi chú: Nếu động từ là BE thì dùng hình thức were cho mọi ngôi. Ðây là thì hiện tại của subjunctive nhưng dùng trong trường hợp trái với sự thật ở hiện tại. If I had a million dollars, I would travel around the world. Nếu tôi có một triệu đô-la thì tôi sẽ du lịch vòng quanh thế giới. If I won the lottery, I would buy a luxury car. Nếu tôi trúng số thì tôi sẽ mua một chiếc xe hơi hạng sang. I wish I were in Paris right now: Tôi ước gì mình đang ở Paris bây giờ. If I were you (but I am not) I would take that job. Nếu tôi là anh thì tôi nhận việc làm đó.

=>Hình thức của động từ trong if clause trong loại câu subjunctive này là were nếu là động từ be, hay giống như simple past nếu là động từ không phải là be. Như trong câu  If I won a lottery, I would travel around the world thì won là simple past của win. Và ở động từ ở mệnh đề chính là would + verb.

I wish I were going to the reception.
Tôi ước gì tôi được đi dự tiệc.
(but I’m not going to the reception)

I wish she were going with me.
Tôi ước gì cô ta đi với tôi.
(But she’s not going with me)

3=> Ðể diễn tả thì quá khứ trong mệnh đề phụ, hãy đặt động từ ở mệnh đề phụ sau that ở thì past perfect tense (had + past participle). Nhớ là tuy nói là quá khứ nhưng  chỉ là hình thức của unreal past một sữ kiện không xảy ra ở quá khứ.
I wish that she had invited me to her wedding party (Fact: but she did not invite me).
Tôi ước gì cô ta mời tôi dự tiệc cưới của cô, nhưng cô không mời tôi.

I wish I had been there. (Fact: but I wasn’t).
Tôi mong tôi đã có mặt ở đó nhưng sự thật là tôi không có mặt,

I wish I could have attended.
Tôi ước gì mình đã tham dự buổi tiệc.

Hình thức:  I wish + past perfect (had + past participle)

4.=> Ðể diễn tả thì tương lai trong mệnh đề phụ, hãy dùng trợ động từ would, chứ đừng dùng will.

I wish he would arrive on time.
(Tôi mong anh ta tới đúng giờ)
I would if I could but I can’t.
Tôi muốn lắm nhưng tôi không thể làm việc đó được.

Phần 2As if và as though và những câu điều kiện if-clauses diễn tả một điều kiện  khó có thể xẩy ra, hay diễn tả một sự nghi ngờ (highly improbable, doubtful) trái với sự thật (contrary to fact). 

1. Nếu diễn tả một chuyện trái với sự thật, hãy dùng động từ ở past tense (hay were) sau as if hay as though.

She acted as if she were the only person in the party who mattered (but she isn’t).
Cô ta xử sự như là nhân vật quan trọng duy nhất trong buổi tiệc (mà cô ta đâu có phải là người quan trọng).

He talks as if he knew everything.
Ông ta nói như người biết rõ ngọn nguồn mọi chuyện (nhưng thực ra ông ta không biết).

2. Bây giờ người ta cũng dùng as if hay as though để chỉ một việc có thể xẩy ra.
Trong trường hợp này, hãy dùng simple present để diễn tả present, dùng future tense để diễn tả future, và past tense để diễn ta quá khứ.

Thí dụ:
Bạn trông thấy trên bầu trời có mây đen, bạn nói It looks as if it is going to rain. It looks as though it will rain.= Trời như muốn mưa.

It looks as if we’re going to have trouble with Bob again. Dường như chúng ta lại gặp chuyện khó khăn vì anh Bob rồi.

It will be a pity if we have to ask her to leave, but it looks as though we have to.

Thật là điều đáng tiếc nếu chúng ta buộc lòng phải mời cô ta đi khỏi đây nhưng dường như chúng ta đành phải làm vậy.

She acted as if she planned to look for another job. Cô có cử chỉ và hành động như cô dự tính tìm việc làm khác.

She was acting as if/as though she was in charge =Bà xử sự như bà là xếp của cả nhóm. (nhưng bà không phải vậy).

Phần 3.  If clauses (ôn lại ANSÐ số 301, 302).

Tùy điều kiện có thể, hay khó có thể xảy ra, hay một sự nghi ngờ hay trái với sự that.

-Một sự thật hiển nhiên (zero condition)
If you heat water, it boils.
Nếu ta đun nước thì nước sôi.

(Ở if clause dùng present, ở main clause dùng present)

-Ðễ diễn tả hiện tại, ở if-clause, dùng past tense (were nếu là be); dùng past perfect nếu diễn tả quá khứ unreal past. Lưu ý đến liên hệ của động từ ở main clause và subordinate clause.

-If I knew the answer, I would not ask you (In fact: I don’t know the answer. Present unreal) Nếu tôi biết câu trả lời thì tôi không hỏi anh làm gì .
(Hình thức: Past tense ở if clause; would + verb ở main clause)

-If I had known the answer, I would not have asked you. (In fact: I did not know the answer)
(Hình thức: Past perfect ở if clause; would + have + past participle ở main clause)
Nếu tôi biết câu trả lời thì tôi đã không hỏi anh.

-If I were you, I would take the job. (but I am not you: contrary to fact in the present).
(Present unreal: were ở if clause cho mọi ngôi; would +  verb ở main clause)
Tôi mà là anh thì tôi đã nhận việc làm ấy.

-If I had been invited, I would have been glad to go (contrary-to-fact in the past: but I wasn’t invited).

(Unreal past: past perfect ở if clause; would + have + past participle ở main clause)

Vietnamese Explanation

Quí vị vừa học xong bài 339. Phạm Văn xin kính chào quí vị thính giả.

(nguồn voatiengviet)

Anh ngữ sinh động bài 338 (nâng cao)

Giáo viên: thầy Phạm Văn

MỞ ĐẦU

Ðây là chương trình Anh Ngữ sinh động bài 338. Phạm Văn xin kính chào quí vị thính giả.

Trong bài học hôm nay, ta học về hình thức của động từ trong mệnh đề phụ (dependent clause) khi mệnh đề chính diễn tả một điều cần thiết, một mệnh lệnh, một lời yêu cầu, một lời khuyến khích hay một quyết định. Nghĩa là khi mệnh đề chính bắt đầu bởi It is necessary that, hay it is important that, hay it is vital that, hay it is essential that, hay những động từ như insist, urge, resolve, decide, hay rule that…thì ở mệnh đề phụ ta dùng present subjunctive.

Có hai trường hợp về hình thức của động từ trong present subjunctive:

Dùng be ở mệnh đề phụ. Nếu động từ ở mệnh đề phụ bắt buộc dùng subjunctive của to be thì dùng hình thức be với cả ba ngôi, chứ không dùng amis và are.

Phần A: Dùng be ở mệnh đề phụ.

  1. Necessity (điều cần thiết)

It is necessary (it is important điều quan trọng là, or it is essential, điều cần thiết là…) that these packages be sent immediately to reach our customers before Christmas.
Những kiện hàng này cần phải gửi đi ngay để kịp tới khách hàng của chúng ta trước  Giáng Sinh.

2. Demand (mệnh lệnh hay đòi hỏi)
The man insisted that he be allowed to contact his lawyer=ông ta đòi được liên lạc với luật sư của ông. Nhớ là động từ ờ mệnh đề chính insisted dù ở hình thức quá khứ hay dù ở hình thức hiện tại insists, nhưng động từ ở mệnh đề phụ vẫn chỉ có một hình thức là be.

3. Request (yêu cầu)
They have asked that you be notified at once if matters do not proceed according to plan. Họ đã yêu cầu phải báo cho ngài biết ngay nếu sự việc không diễn tiến theo đúng như chương trình đã định. Như nhận xét ở trên, động từ ở mệnh đề chính ở present perfect (have asked),  hay nếu ở simple past (asked), thì động từ ở mệnh đề phụ vẫn ở hình thức be (hình thức giống như infinitive without to, nếu là động từ không phải là be).

4. Urging. (cố thuyết phục): We urged (or we strongly suggested) that he be given a second chance to prove himself on the job. Chúng tôi cố thuyết phục ban giám đốc cho anh ta thêm một cơ hội nữa để chứng tỏ khả năng trong công việc của anh.

5. Resolution (quyết nghị) The committee has resolved (or decided, or ruled) that the decision be deferred until the next meeting. Ủy ban đã ra quyết nghị hoãn quyết định cho tới buổi họp sắp tới.

Phần B. Nếu động từ ở mệnh đề phụ là một động từ không phải là BE, Hãy dùng thì hiện tại của động từ ấy cho cả ba ngôi. Tuy nhiên, đừng thêm s vào đuôi động từ trong trường hợp ngôi thứ ba số ít (giống như infinitive without to).

NECESSITY.
It is essential (important, necessary) that he be on time. Ðiều cần là anh ta phải có mặt đúng giờ. (Chứ không viết that he is on time)

DEMAND
We insist that the home repairman do the work over. Chúng tôi nhất định đòi người thợ sửa nhà làm lại công việc. (Không viết là that the repairman does the work over)

REQUEST. They have asked that he remain on the board of directors until they find a replacement. Họ yêu cầu ông vẫn giữ chức vụ ở trong uỷ ban điều hành công ty cho dến khi họ kiếm được người thay thế (chứ không viết that he remains on the board…)

URGING
The teacher urged that she type the paper triple-spaced to allow room for some heavy correcting. Thầy giáo cố thuyết phục cô ta đánh máy cách nhau ba dòng để có nhiều chỗ trống để sửa lỗi. (chứ không viết that she types…)

RESOLUTION
They have resolved that a new attorney represent them, Họ đã quyết định mời một luật sư mới đại điện cho họ (chứ không viết that a new attorney represents…).

Chú ý: Những thí dụ dùng trong những câu trên: that these packages be sent immediately, that you be notified…, that the decision be deferred,..that the repairman do the work over…, that she type…that a new attorney represent them…là hình thức bàng thái cách hiện tại present subjunctive cho những mệnh đề diễn tả sự cần thiết, hay mệnh lệnh, hay đòi hỏi hay quyết nghị.

It is important that he be notified.
Ðiều quan trọng là ông ta phải được thông báo.

If he were appointed the new principal, I would quit. Nếu ông ta được đề cử làm tân hiệu trưởng thì tôi sẽ thôi việc.
(Trường hợp khó xảy ra improbable dùng trong if-clause, câu điều kiện, ở hiện tại  unreal present).

We demand that we be heard.
Chúng tôi đòi phải cho chúng tôi quyền trình bày lập trường của chúng tôi.

We urged that Jane be elected class president.
Chúng tôi cố thuyết phục tất cả các bạn trong lớp bầu cô Jane làm trưởng lớp.

Phần C. Exercises

Hãy chọn hình thức đúng trong ngoặc đơn

1. The auto mechanic did not do a good job, so we insisted that he (do, does) his job all over again. Người thợ sửa xe hơi không sửa kỹ nên chúng tôi đòi anh ta phải làm lại.
(Answer: do).

2. The doctor insisted that his patient (follow, follows) his instructions right away.
Bác sĩ đòi bịnh nhân phải tuân theo lời dặn  của ông ngay.
(Anwer: follow).

3. It is essential that Bob (reviews, review) all the lessons before the test.

Bob cần phải học ôn lại tất cả các bài học trước khi thi trắc nghiệm.
(Answer: review).

4. It is important that every student (takes, take) notes (ghi chép lời giảng) during lectures.
Ðiều quan trọng là mỗi sinh viên phải ghi chép tóm tắt những điểm quan trọng trong bài giảng.
(Answer: take).

5. The workers urged that they (are, be) given a chance to present their grievances to the management. Công nhân cố thuyết phục ban quản trị cho họ cơ hội trình bầy những điều khiếu nại.
(Answer: be).

Vietnamese Explanation

Phạm Văn xin kính chào quí vị thính giả và xin hẹn gặp lại trong một bài học khác.

(nguồn voatiengviet)

Anh ngữ sinh động bài 337 (nâng cao)

Giáo viên: thầy Phạm Văn

MỞ ĐẦU

Ðây là chương trình Anh Ngữ sinh động bài 337. Phạm Văn xin kính chào quí vị thính giả.

Ở một bài học trước, chúng ta cùng đọc bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Mỹ Robert Frost là bài Stopping by Woods On A Snowy Evening, dừng bước ven rừng chiều tuyết phủ. Ðể kỷ niệm ngày 29 tháng 1 năm nay là ngày ông mất cách đây 51 năm, hôm nay xin giới thiệu thêm với quí vị hai bài thơ nổi tiếng cũng của Robert Frost (1874-1963). Ðó là bài The Pasture, Ðồng Cỏ  Xanh (làm năm 1913) và bài The Road Not Taken. Con Ðường Không Ði (làm năm 1916). Bài the Pasture đặt ở đầu tập thơ North of Boston của ông.

Theo Louis Untermeyer, một nhà phê bình về Frost kể lại thì khi Frost 19 tuổi, bài thơ đầu tiên của ông được báo Independent đăng, chỉ có bà mẹ ông rất mừng, còn cả nhà đều e ngại. Ông nội bảo Frost rằng: “Ít người làm thơ mà kiếm sống được. Nhưng ông bảo cho con hay này. Ông cho con một năm tùy ý làm thơ, và con phải hứa là trong một năm, không kiếm ra tiền thì phải bỏ ý viết văn thơ. Bằng lòng không?” Chàng trai trẻ trả lời: “Xin cho con 20 năm—20 năm.”

Cũng theo lời thuật lại thì ông làm bài The Pasture này khi ông và vợ giận nhau và ông dùng bài thơ như lời làm lành với vợ. Ông làm bài này năm 1913 lúc ông 39 tuổi.

1. The Pasture 

I’m going out to clean the pasture spring;
I’ll only stop to rake the leaves away
(And wait to watch the water clear, I may):
I sha’n’t be gone long—You come too.

I’m going out to fetch the little calf
That’s standing by the mother. It’s so young.
It totters when she licks it with her tongue.
I sha’n’t be gone long—You come too.
Robert Frost

Words

Pasture: đồng cỏ non
Spring: con suối
To rake=cào lá
clear= trở thành trong
To fetch: đi bắt về
To totter: bước chập chững, không vững như đứa bé. Tưởng tượng: như một bà mẹ âu yếm vuốt ve đứa con nhỏ, bò mẹ liếm con nó, và con bê con chập chững chạy. Hai chữ totter va lick là hai chữ gợi hình gợi cảm.

Dịch

Ðồng Cỏ Xanh

Anh sẽ đi nhặt lá trong dòng suối ven đồng;
Chắc anh chỉ dừng lại để vớt lá cây đi.
(Rồi có lẽ sẽ chờ cho đến khi nước trong)
Anh không đi lâu đâu—em đi với anh không?

Anh sẽ đi ra đồng dẫn con bê nhỏ về,
Ðang đứng bên bò mẹ, con bê bé tí ti,
Mẹ nó lè lưỡi liếm, nó chập chững chạy đi.
Anh đi không lâu đâu—em đi với anh đi.
(P.T.L. phỏng dịch 9/3/93)

Bài thứ hai là bài The Road Not Taken tả tâm trạng một người lữ khách dừng chân giữa rừng đầy lá thu vàng, trước hai ngả đường, lòng phân vân muốn đi cả hai. Nhưng rồi quyết định chọn con đường ít người qua, đinh ninh có ngày sẽ trở lại đường cũ, nhưng khi đi rồi, đường nọ dẫn sang đường kia, chắc không thể nào trở lại đường cũ. Giữa đời sống cuả một trại chủ ở vùng đất ông nội cho và muốn ông trồng trọt, ông đã chọn cuộc đời của một thi sĩ và thầy giáo.

Theo giáo sư William Harmon, biên khảo cuốn THE TOP 500 POEMS (Columbia University Press, 1992) thì bài thơ này in ở đầu cuốn thơ thứ ba của Frost là cuốn Mountain Interval (1916).

Chịu ảnh hưởng của những nhà thơ như Emerson, và Thoreau nên thơ Frost có nhạc điệu của những bài thơ cổ về đồng quê La-Mã của Horace (bucolic poetry thơ điền viên).

Hai nhà phê bình Richard Ellman, và Harold Bloom nhận xét rằng thơ ông còn có đặc điểm là dùng ngôn ngữ bình dị dân dã  (utter colloquialism and down-to-earth), như trong những lời nói hằng ngày, đôi khi gói ghém một triết lý nhân bản, đôi khi sâu xa, đôi khi hóm hỉnh, thường thì khẳng định lạc quan, nhưng cũng có bài bi quan yếm thế (bleak), về số phận cô đơn của con người trong một vũ trụ vô tình (loneliness of the individual in an indifferent universe).

Hai nhà phê bình kể trên nhận xét có thể phần nào Frost chịu ảnh hưởng bởi thơ của nhà thơ Anh Thomas Hardy và nhà thơ xứ Ireland và được giải Nobel văn chương là William Butler Yeats, và những tang tóc và bịnh tật trong gia đình Frost.

[Nguồn: wikipedia.org/wiki/Robert_Frost]

         The Road Not Taken

Two roads diverged in a yellow wood,
And sorry I could not travel both
And be one traveler long I stood
And looked down one as far as I could
To where it bent in the undergrowth;

Then took the other, as just as fair,
And having perhaps the better claim,
Because it was grassy and wanted wear;
Though as for that the passing there
Had worn them really about the same,

And both that morning equally lay
In leaves no step had trodden black.
Oh, I kept the first for another day!
Yet knowing how way leads on to way,
I doubted if I should ever come back.

I shall be telling this with a sigh
Somewhere ages and ages hence:
Two roads diverged in a wood, and I—
I took the one less traveled by,
And that has made all the difference.
Robert Frost

Words:

To diverge: rẽ ra, phân ra. Có 2 cách phát âm chữ diverge: /I/ hay /ai/. Frost phát âm là /I/.
Undergrowth: lùm cây, bụi cây thấp.
Trodden: from to tread: đi bộ, dẵm chân lên
Tread/trod/trodden.
Worn (past participle of to wear): làm mòn đi. Wanted wear: muốn được chân dẵm lên cho mòn đi.
Sigh: tiếng thở dài
Hence: từ lúc này

Dịch Nguyên Văn

Con Ðường Không Chọn Ði

Hai con đường rẽ ra trong một khu rừng đầy lá vàng
Tiếc rằng ta không đi được cả hai
Và là người lữ khách, ta đứng lại
Nhìn theo một con đường tới tận
chỗ nó ngoặt vào bụi cây.

Rồi chọn con đường kia cũng đẹp
Có lẽ còn đáng chọn hơn
Vì đầy cỏ rậm và muốn được dẫm mòn đi.
Tuy rằng vết chân người qua lại
Cũng làm hai đường mòn như nhau.

Và cả hai con đường sáng hôm ấy
Ðầy lá vàng, chưa có bước chân nào dẫm lên làm đen mòn đi
Ồ, ta giữ con đường đầu để dành cho hôm khác!
Tuy nhiên, biết rằng đường nọ dẫn sang đường kia,
Ta không chắc mình có dịp nào trở lại đường cũ.

Ta sẽ kể lại chuyện này với thở dài luyến tiếc
Vào nơi nào đó cách đây bao nhiêu năm nữa
Hai con đường rẽ ra trong khu rừng, và ta thì—
Chọn đi con đường ít người qua lại,
Và đó là khác biệt thay đổi lớn nhất đời ta.

Dịch sang văn vần

      Ðường chia đôi ngả

Lá vàng hai ngả trong rừng,
Phân vân chẳng thể đi cùng cả đôi.
Dừng chân lữ khách bồi hồi,
Dõi theo một nẻo khuất vời lùm cây.

Nhủ lòng ta chọn đường này,
Cỏ xanh chưa có dấu giầy dẫm qua.
Kẻ đi người lại gần xa,
Cả hai rồi cũng đen nhoà như nhau.

Hai đường buổi sáng hôm sau,
Lá cây rụng phủ một màu vàng ươm.
Biết rằng ngày khác cũng còn.
Chắc đâu trở lại lối mòn rừng mơ.

Ngậm ngùi kể lại chuyện xưa,
Ðường chia đôi ngả bên bờ còn ta–
Chọn đi đường vắng không nhà,
Một đời thay đổi, một xa bước đầu.
(P.T.L. phỏng dịch, 1993)

Quí vị có thể nghe bài thơ The Road Not Taken do chính Robert Frost đọc.

Chú thích:

Tới bài học hôm nay, quí vị đã đi gần hết chặng cuối của chương trình Anh ngữ sinh động, từ bài đầu với những câu chào hỏi ngắn, qua các mẩu đàm thoại và giao dịch thương mại tới những điểm văn phạm như cách dùng subjunctive, và cuối cùng, chúng ta tới trình độ cao của một sinh ngữ, đó là ngôn ngữ của thơ, nghĩa là âm thanh, nhịp điệu và hình ảnh quyện lấy nhau làm người đọc thơ và người nghe thơ rung động qua  bài thơ. Chúc quí vị trì chí theo dõi các bài học khác của VOA, trau giồi tiếng Anh để từ đó tiến xa hơn trong nghề nghiệp cũng như nuôi dưỡng lòng mê say học hỏi và tự tín vào khả năng sinh ngữ của mình.

Xin kính chào quí vị thính giả.

(nguồn voatiengviet)

Anh ngữ sinh động bài 336 (nâng cao)

Giáo viên: thầy Phạm Văn

MỞ ĐẦU

Ðây là chương trình Anh Ngữ sinh động bài 336. Phạm Văn xin kính chào quí vị thính giả.

Ðể thay đổi chủ đề thường lệ của bài học, hôm nay xin giới thiệu với quí vị bài thơ nổi tiếng trong hạ bán thế kỷ 20 của thi sĩ Mỹ Robert Frost (1874-1963). Ðó là bài Stopping by Woods on a Snowy Evening. Dừng bước ven rừng chiều tuyết phủ.

1. Tiểu sử Robert Frost 

Robert Frost sinh năm 1874 tại San Francisco, và mất ngày 29 tháng January năm 1963, thọ 89 tuổi. Ngày 29 tháng giêng năm 2014 kỷ niệm 51 năm ngày ông mất. Ông sinh trong một gia đình mà cha ông làm ký giả (journalist) cho một tờ báo sau này là San Franscisco Examiner. Năm ông 11 tuổi, cha ông chết, gia đình phải dọn về Massachusetts ở với ông nội.

Sau khi học xong trung học, ông ghi tên học ở đại học Dartmouth College nhưng học được 2 tháng thì thôi học về dạy học ở trường tiểu học của bà mẹ. Ông nội mua cho ông một trang trại ở Derry, New Hampshire và ông làm trại trong 9 năm, nhưng không thích; ông chỉ thích thơ. Ông trở lại nghề dạy học.

Năm 42 tuổi, ông cùng vợ sang Anh, ngụ ở tỉnh Beaconsfield, ở ngoại ô London. Trong thời gian ở Anh, ông xuất bản cuốn thơ đầu tay, nhan đề A Boy’s Will (Ý Chí Chàng Trai trẻ), và nước Mỹ bắt đầu lưu ý đến thơ của ông. Trở về Mỹ, Ông mua một nông trại ở Franconia, New Hampshire và dạy học ở Amherst College ở tiểu bang Masschusetts. Năm 54 tuổi, ông đoạt giải thưởng Pulitzer về bộ môn thơ; sau đó lần lượt ba lần được giải Pulitzer. Từ trước đến nay không ai được đến 4 lần giải thưởng cao quí này. Trong trên 40 năm trời, mùa hè nào ông cũng về dạy viết văn ở The Bread Loaf School of English ở Middlebury College ở tiểu bang Vermont. Sau ông được mời dạy ở đại học Michigan ở Ann Arbor. Khi tổng thống John F. Kennedy nhậm chức, ngài có mời ông đọc thơ trong buổi lễ. Ông đọc bài the Gift Outright.

Thơ ông dùng chữ bình dị, ngôn ngữ đồng quê dân dã, tả những đề tài như vườn táo, trại cây ở New England, nhưng lời thơ thâm trầm vì ngụ ý sâu xa.

Từ đó danh ông nổi như cồn. Ông dạy học ở Dartmouth, và University of Michigan nhận ông dạy hàng năm.

2. Bài thơ Stopping by Woods on a Snowy Evening làm khi ông ở Shaftbury, Vermont năm 1922, lúc ông 48 tuổi.
Ông là một nhà thơ mới của thế kỷ 20 nhưng vẫn giữ những nét cổ điển vì vẫn làm thơ có vần. Bài thơ đầu tiên của ông được đăng lần đầu lúc ông 20 tuổi và được trả 15 dollars, bằng giá 402 dollars theo thời giá bây giờ.

Bài thơ tả một người dừng cương ngựa trước ven rừng một chiều tối có gió thổi tuyết giăng. Nhìn cảnh tuyết đẹp, quyến rũ như hớp hồn, người lữ khách bâng khuâng, nhưng nghĩ đến đường xa, mình còn nhiều lời hứa phải làm nên phải tiếp tục. 

Trong bài thơ có chữ “downy flake”. Chữ down là lông tơ mịn như lông ngỗng lông vịt để nhồi áo lạnh hay chăn bông. Chữ flake là hoa tuyết. Muốn cho học sinh Việt– mà phần lớn học sinh, ngoại trừ một số nhỏ có xem phim có cảnh tuyết rơi—chưa bao giờ thấy tuyết, nên tôi đã dịch bài thơ sang tiếng Việt, hy vọng người đọc thơ hiểu phần nào tâm trạng người lữ khách trong bài thơ.

Bây giờ xin đọc bài thơ để quí vị có thể cảm thấy cái điệu chầm chậm của nhịp thơ hai âm tiết, âm đầu nhẹ âm sau mạnh, mỗi câu 4 nhịp nhấn gọi là iambic tetrameter và vần móc với nhau, thí dụ vần here ở cuối câu 3 trong khổ thơ stanza thứ nhất vần với chữ queer (lạ) nằm  ở câu đầu của khổ thơ thứ nhì: aaba, bbcb, ccdc và ở cuối câu thứ 3 của stanza thứ 3 thì chữ sweep lại vần với 4 chữ cuối deepkeepsleep, sleep củakhổ thơ thứ tư chỉ có một vần dddd.

3. Stopping by Woods on a Snowy Evening  
By Robert Frost (1922)

Whose woods these are I think I know,
His house is in the village though;
He will not see me stopping here
To watch his woods fill up with snow.

My little horse must think it queer
To stop without a farmhouse near
Between the woods and frozen lake
The darkest evening of the year.

He gives his harness bells a shake
To ask if there is some mistake
The only other sound’s the sweep
Of easy wind and downy flake.

The woods are lovely, dark, and deep,
But I have promises to keep,
And miles to go before I sleep,
And miles to go before I sleep.

4. Dừng bước ven rừng chiều tuyết phủ

Rừng nhà ai đây xem chừng ta biết,
Nhà nơi phương xa ven làng xa tít.
Người chẳng hay ta dừng bước nơi đây,
Thẩn thơ đứng ngắm rừng dầy chiều đông.

Tuấn mã vật khôn hẳn cho là lạ,
Dừng bước một nơi đồng vắng không nhà.
Bóng đêm phủ xuống không gian im vắng,
Rừng sâu, hồ rộng mà đường còn xa.

Nhạc ngựa rung lên tan bầu tĩnh mịch,
Dường như hỏi chủ lạc lối về chăng.
Gió thổi tuyết rơi bốn bề yên lặng,
Cảnh đẹp hồn thơ mà mơ chưa đặng.

Rừng sâu quyến rũ vô ngần,
Nhớ lời hẹn ước rời chân không đành. 
Còn nhiều dặm bước đường trần,
Còn đi mãi mới tới phần nghỉ chân.
(P.T.L. phỏng dịch)

Nghĩa vài chữ:

Woods=khu rừng
Though=tuy rằng
Fill up with snow=phủ đầy tuyết
Farmhouse=nông trại
Darkest evening=đêm tối nhất
Harness bells=nhạc đeo ở cương ngựa
A shake=lắc
Lovely=đẹp
Deep=sâu thẳm
The only other sound’s the sweep of easy wind and downy flake. Chỉ còn nghe thấy tiếng gió thổi nhẹ và hoa tuyết rơi lả tả. Hai xát-âm sibilant sound’s the sweep là một thí dụ về điệp âm đầu alliteration.
Hai chữ dark and deep bắt đầu bởi âm d, cũng là thí dụ về alliteration=điệp âm đầu.
Sleep: ngủ, nghỉ chân, nhưng nghĩa bóng cũng có nghĩa là ”chết”.

Rừng đen thẫm và sâu thẳm tương phản với tuyết trắng mênh mông khiến người khách đang dừng chân như bị quyến rũ bởi cái đẹp, nhưng trong cái đẹp có tiềm ẩn một sự nguy hiểm: một mình giữa rừng tối và hồ đóng băng, còn chủ nhân của khu rừng phủ tuyết và hồ đóng băng thì ở mãi tận làng xa. Chỉ có con ngựa nhỏ lắc chùm nhạc như nhắc chủ tại sao lại đứng ở nơi đồng không mông quạnh. Giữa cảnh cô đơn của con người trước thiên nhiên mỹ lệ nhưng lãnh đạm vô tình, chỉ có tiếng nhạc ngựa mang khách về thực tại, khiến ông dường như chợt tỉnh, nghĩ tới những lời hứa phải giữ và đường dài phải đi trưóc khi yên nghỉ. 

The woods are lovely, dark, and deep,
But I have promises to keep,
And miles to go before I sleep,
And miles to go before I sleep.

Bài thơ này được xếp thứ 5 trong 100 bài thơ tiếng Anh được in nhiều nhất trong các tuyển tập cho học sinh và sinh viên. Theo giáo sư William Harmon tác giả cuốn THE TOP 500 POEMS (New York: Columbia University Press,1992).

Quí vị có thể nghe chương trình của Poetry Foundation trong đó chính Robert Frost đọc bài thơ này bằng cách vào Google gõ vào hàng chữ “Stopping by woods on a snowy evening read by Robert Frost.” Hay đánh vào:
www.youtube.com/watch?v=hfOxdZfoOgs

Pham Văn xin kính chào quí vị thính giả và xin hẹn gặp lại trong một bài học khác.

(nguồn voatiengviet)