Lưu trữ cho từ khóa: henry ford

Người sáng lập Honda: Sự nghiệp lừng lẫy được gây dựng từ thất bại

“Đối với tôi, thành công chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại”, ông Soichiro Honda chia sẻ.

Trước khi trở thành những người thành công và giàu có, hầu hết các doanh nhân trên thế giới đều nếm trải rất nhiều thất bại. Nhưng họ không bỏ cuộc mà coi những thất bại đó là động lực và bài học để tiến lên phía trước.

Honda giờ đây là một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất nước Nhật và nổi tiếng trên toàn thế giới. Để đạt được thành công đó có đóng góp không nhỏ từ ông Soichiro Honda, người sáng lập ra thương hiệu này.

Soichiro được Tạp chí People (Mỹ) xếp vào danh sách “25 người đáng quan tâm của năm” vào năm 1980, đồng thời tôn vinh ông như một “Henry Ford của Nhật Bản” với những đóng góp tạo ra cuộc cách mạng về phương tiện giao thông cá nhân của nhân loại.

Tuy nhiên, trước khi xây dựng được sự nghiệp lừng lẫy, Soichiro đã phải gặp vô số thất bại. Ông từng chia sẻ rằng, “Đối với tôi, thành công chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại.”

Bài viết này sẽ kể về một trong những thất bại của ông Soichiro Honda.

Thời thơ ấu và tuổi trẻ

Soichiro Honda sinh ngày 17/11/ 1906 tại Yamahigashi, làng Komyo (nay là Tenryu), hạt Iwata thuộc Shizuoka Prefecture ( Nhật Bản). Cha của Honda, ông Ghihei là một thợ rèn.

Khi còn nhỏ, Shoichiro luôn quanh quẩn bên bố, xem ông làm việc và qua đó ông đã học được cách tự làm đồ chơi cho mình. Tài sản mà Soichiro được thừa kế từ cha chính là lòng yêu thích nghề cơ khí.

Năm 1922, Soichiro cùng cha đi lên Tokyo sau khi xem một quảng cáo tìm người giúp việc được đăng trên tờ báo thương mại. Nơi họ đến là một cửa hàng sửa chữa ô tô có tên là Art Shokai. Lý do lớn nhất để cậu bé Soichiro 15 tuổi muốn làm việc ở đây chính là có cơ hội được tiếp xúc gần gũi với những chiếc ô tô.

Thời gian đầu, công việc của Soichiro là nội trợ và trông trẻ cho gia đình ông chủ. Buổi tối khi đã làm xong hết công việc, Soichiro thường trốn vào trong xưởng để được ngắm những chiếc ô tô. Cậu bé không hài lòng với công việc của mình và thậm chí còn nghĩ sẽ từ bỏ để trở về nhà. Chính lúc này, Sochiro Honda được ông Hikoji Kitazama, người giám sát trực tiếp động viên, giúp đỡ. Hàng ngày sau khi hoàn tất mọi công việc, Sochiro được phép đi tới cửa hiệu thứ hai của Art Shokai nơi mà một chiếc xe ô tô đua đang được làm tại đó.

Năm 1923, sau khi cứu 3 chiếc xe đua của hãng khỏi một đám cháy, Sochiro được giao việc trở thành thợ chính, giúp thiết kế xe đua. Năm 1924, chiếc xe Curtiss do Sochiro làm thợ kỹ thuật đã giành giải nhất tại cuộc đua tổ chức ở Tsurumi thuộc Kanagawaken. Chàng trai trẻ vô cùng vui sướng và chiến thắng này là bước khởi đầu cho niềm đam mê xe đua của Soichiro.

Sau 5 năm học việc tại cửa hàng Art Shokai và 1 năm chứng minh khả năng với ông chủ, cuối cùng Soichiro đã được phép tự mở chi nhánh Art Shokai ở làng của mình tại Hamamatsu. Lúc đó Soichiro vừa tròn 21 tuổi.

Chuyện những chiếc séc măng thất bại

Mặc dù công việc kinh doanh đang trong thời kỳ phát đạt, cửa hàng ngày càng được mở rộng nhưng Soichiro vẫn không hài lòng. Thiếu những khó khăn thử thách Soichiro cảm thấy bứt rứt, buồn bực không yên. Soichiro muốn làm một cái gì đó hơn là chỉ sửa chữa đơn thuần.Từ đó, Soichiro bắt đầu suy nghĩ đến việc kinh doanh sản xuất.

Điều đầu tiên thu hút sự chú ý của ông là những chiếc séc măng (piston ring). Séc măng dường như là một chi tiết hoàn hảo, nhỏ nhưng rất đắt. Và thế là, Soichiro nhanh chóng xây dựng kế hoạch để tiến hành sản xuất hàng loạt. Ông thuê nhà xưởng tại thị trấn Yamashita của thành phố Hamamatsu và mở “Phòng nghiên cứu sản xuất séc măng Art Shokai”.

Ban Giám đốc của Art Shokai kịch liệt phản đối ý tưởng này của ông và họ không cấp vốn cho ông. Soichiro cảm thấy rất chán nản sau khi giấc mơ của mình bị dập tắt, do vậy ông đã bị đau dây thần kinh vùng đầu và sau đó đau lưng nặng. Trong suốt gần hai tháng Soichiro phải nghỉ ở nhà chữa bệnh, nhưng ngay cả trong lúc khó khăn đó ông cũng vẫn luôn bị ám ảnh bởi việc phát triển chế tạo séc măng. Ông không bao giờ bỏ qua mơ ước của mình và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách mới.

Năm 30 tuổi, dù đã là Chủ tịch công ty do ông thành lập nhưng Soichiro vẫn quyết định phải trở lại trường học. Người ta khá ngạc nhiên khi thấy một người lớn tuổi ở trong lớp học. Ngoài giờ lên lớp, Soichiro giành hết thời gian ở trong phòng thí nghiệm, thậm chí Soichiro ăn ngay ở phòng thí nghiệm vào những lúc trái khoáy, không cạo râu và để đầu tóc rối bời nhưng ông không để ý đến các điều đó, ông chỉ quan tâm đến một vấn đề là chiếc séc măng.

Năm 1936, Soichiro tham gia một cuộc đua và gặp tại nạn thảm khốc. Ông bị gãy xương bả vai và bị thương nặng ở mặt. Trong bệnh viện, ông không ngừng nghĩ về công việc kinh doanh của mình. Một tuần sau ông ra viện, bị thương nặng, tiền tiết kiệm thì hết và công việc kinh doanh chế tạo séc măng sụp đổ. Gia đình Soichiro rơi vào một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Vợ của ông cùng với con nhỏ phải đem cầm cố những đồ vật có giá trị của họ.

Một hôm, Soichiro chọn 50 chiếc séc măng trong số 30.000 chiếc ông đã làm và giao cho Toyoda Jido Shokki. Sau đó, được biết là chỉ có ba chiếc qua được vòng thử nghiệm của Toyota, ông rất tức giận. Ông cố kìm nén cơn tức giận một cách khó khăn và quyết định chuyển sang đối mặt với thử thách mới. Năm 1939, Soichiro thôi làm quản lý cửa hàng Art Shokai Hamamatsu, chuyển đến Sueo Kawashima trở thành Chủ tịch của Tokai Seiki Jyukogyo.

Sau hai năm học ở trường Hamamatsu, do không tham dự kỳ thi nên Soichiro bị buộc phải thôi học. Tuy nhiên, ông đi học chỉ là để có được những kiến thức cần thiết nhằm đạt được mục đích của mình và thành quả của ông được mọi người công nhận. Sau khi bị đuổi khỏi trường, ông đến trường đại học Tohoku Imperial và Nihon Muoran Seisakusho để học thêm những kiến thức khác.

Được trợ giúp bởi những điều học được ở trường, Soichiro đã phát minh ra nhiều thứ và có được rất nhiều bằng sáng chế. Một trong những phát minh đó là máy đánh bóng séc măng. Chiếc máy đó quả là một sự thay đổi to lớn và rất đơn giản trong khi sử dụng. Sau 3 năm thử nghiệm và thất bại, khi sự kiên nhẫn của ông đã đến giới hạn, thì cuối cùng sự huyền bí được khám phá và Soichiro đã có thể làm được những chiếc séc măng tuyệt vời. Những ngày tháng đó là những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời của Soichiro. Tuy nhiên, chính từ những kinh nghiệm này, công ty Honda ngày nay đã ra đời.

(nguồn ndh.vn)

Henry Ford: huyền thoại đi lên từ thất bại

Người ta biết đến Henry Ford như cha đẻ ngành ô tô hiện đại, người dạy dân Mỹ lái xe, một huyền thoại của thế kỷ 20. Nhưng trước khi trở thành huyền thoại thì ông cũng chỉ là một chàng trai bình thường, với đầy những sai lầm và thất bại.

Henry Ford sinh ngày 30/7/1863 tại quận Wayne, Michigan. Cậu là con đầu trong một gia đình làm nông 5 con. Thuở nhỏ, ngoài thời gian đi học, cậu giúp bố mẹ làm việc trong trang trại. Henry thích máy móc từ nhỏ và thường xuyên có những cuộc “thử nghiệm” để xem cách máy móc hoạt động. Cậu từng tháo tung chiếc đồng hồ ra ngắm nghía rồi lắp lại như cũ chỉ với những dụng cụ tự chế, ví dụ dùng ốc vít thay cho tua vít vì đồng hồ quá nhỏ. Năm 1876, cậu vô cùng hào hứng khi lần đầu tiên được nhìn thấy một chiếc đầu máy hơi nước.

Cũng năm đó mẹ cậu mất. Không còn động lực tiếp tục công việc đồng áng vất vả, Henry dành hết thời gian nghiên cứu sách vở về cơ học. Năm 16 tuổi (1879), cậu được nhận vào làm thợ máy học việc tại một xưởng đóng tàu ở Detroit. Đến năm 1882, cậu trở về nhà và vận hành máy kéo hơi nước cho hàng xóm và kết hôn năm 1888. Những tưởng chàng thanh niên chịu bằng lòng làm việc ở trang trại nhưng đến năm 1891, vợ Ford rất sốc khi biết chồng nhận vị trí kỹ sư trực đêm tại công ty Edison Illuminating ở Detroit với mức lương 40 USD một tháng.

Vì làm việc ca tối, ban ngày Ford mày mò phát triển mẫu động cơ đốt trong. Ông mở một xưởng máy sau nhà và sử dụng những mẩu kim loại thừa thu nhặt được. Năm 1896, với sự giúp đỡ của vài người bạn, ông hoàn thiện mẫu xe đầu tiên, đặt tên là Quadricycle.

Thời điểm đó, môi trường cạnh tranh rất khốc liệt vì có nhiều công ty chế tạo xe chạy động cơ xăng dầu. Quadricycle có thể coi là thất bại đầu tiên của Ford vì thiết kế quá nhỏ và chưa hoàn thiện để sản xuất trên quy mô lớn. Cùng năm đó, khi tham dự một cuộc họp của ban lãnh đạo công ty tại New York, ông có cơ hội nói chuyện với Thomas Edison và thật bất ngờ khi nhà phát minh đại tài ủng hộ ý tưởng xe chạy bằng xăng của Ford. Có động lực, năm 1898, ông chế tạo ra mẫu xe thứ 2 và bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư với mong muốn mở một công ty sản xuất xe ô tô.

Năm 1899, ông thuyết phục được một ông trùm cao su trong vùng tên William H. Murphy chạy thử quãng đường 96 km đến Farmington, Pontiac và quay lại Detroit trên chiếc xe của mình. Henry Ford tìm được nhà đầu tư đầu tiên và mở công ty Detroit Automobile vào tháng 8/1899, làm việc ở vị trí giám thị với mức lương 150 USD một tháng. Ông quyết định nghỉ việc ở Edison Illuminating dù được hứa hẹn mức lương 1.900 USD một năm.

Tuy Murphy và các cổ đông đặt rất nhiều hy vọng, Ford không thể đưa ra sản phẩm sau một năm rưỡi mày mò. Ông muốn chế tạo ra một chiếc xe hoàn hảo nhưng có quá nhiều vấn đề phát sinh mà ông không lường trước được, ví dụ như thiếu nguyên vật liệu, hay cái thì quá nặng, cái thì quá đắt. Ban giám đốc dần mất hết niềm tin vào Ford và đầu năm 1901, Detroit Automobile bị giải thể.

Không nản chí, Ford tự nhìn lại thất bại của mình và nhận ra ông đang cố làm ra một chiếc xe phục vụ tất cả yêu cầu của người dùng cùng một lúc, một điều không thể. Ông quyết định chỉ tập trung vào việc chế tạo một chiếc xe nhỏ và nhẹ hơn. Trong ngành công nghiệp ô tô vào đầu những năm 1900, khi mà người người nhà nhà lao vào chế tạo xe, việc nhận được cơ hội thứ hai là một điều hiếm hoi. Để phục hồi danh tiếng của mình, Ford mày mò làm ra một chiếc xe đua chạy với vận tốc 1,6 km/phút (96 km/giờ) và giành chiến thắng trong cuộc đua Grosse Pointe dài 16 km. Với thành tích này, ông thuyết phục được Murphy cho mình thêm cơ hội.

Cuối năm 1901, công ty Henry Ford được thành lập và Henry Ford sở hữu 1/6 cổ phần – trị giá 100.000 USD. Lần này, để bảo đảm Ford làm việc đúng tiến độ, ban giám đốc thuê một kỹ sư dày dặn kinh nghiệm (Henry M. Leland) để giám sát ông. Không phục, Ford rời công ty chỉ sau chưa đầy một năm với 900 USD trong túi và mất quyền sử dụng chính cái tên của mình. (Công ty này sau đổi tên thành Cadillac)

2 lần thất bại tưởng chừng đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của kỹ sư 38 tuổi. Nhưng Ford không chấp nhận số phận. Với ông, “thất bại chỉ đơn giản là cơ hội để bắt đầu lại, một cách thông minh hơn”. Ông tiếp tục tìm tòi nghiên cứu và vào năm 1903, tìm được một nhà đầu tư khác tên Alexander Malcomson, người đồng ý bỏ tiền để ông mở công ty Ford Motor.

Phải mất tận 5 năm (1903 – 1908), sau 8 mẫu xe Model A, B, C, F, K, N, R, và S không mấy thành công, Ford mới đưa ra được phiên bản Model T huyền thoại và tạo ra một cuộc các mạng ngành công nghiệp ô tô. Và phải mất thêm 5 năm tiếp theo, đến 1913, ông mới hoàn thiện dây chuyền sản xuất để đạt được quy mô cần thiết. Đến năm 1918, một nửa số xe tại Mỹ là Model T. 55 tuổi, Henry Ford biến Detroit thành thành phố lớn nhất và thịnh vượng nhất nước này.

Cứ tưởng đây đã là kết thúc có hậu cho Ford. Sau những cố gắng không ngừng nghỉ, giờ ông có thể an nhàn điều hành công ty. Nhưng đến những năm 1920, Ford lại gặp một thách thức mới – Chevrolet. Trong khi Ford dành 20 năm chỉ để chế tạo một mẫu xe, Chevrolet làm ra ra mẫu xe mới hàng năm với thiết kế ngày càng được cải thiện. Kết quả là Chevrolet chiếm được phần lớn khách hàng và năm 1927, Ford buộc phải cho hàng nghìn công nhân nghỉ việc vì việc kinh doanh bị thu hẹp. Ở tuổi 64, vị chủ tịch già phải quay lại điểm xuất phát: chế tạo ra một chiếc xe mới.

Với nhiều nỗ lực, ông đưa ra một phiên bản hoàn toàn mới của mẫu xe Model A, và đem lại thành công cho công ty. Nhưng chỉ 3 năm sau, đến 1931, doanh số bán hàng lại giảm mạnh vì cuộc Đại khủng hoảng. Trong khi đó, mẫu ô tô động cơ 6 xi-lanh mới của Chevrolet thu hút hết khách hàng. Một lần nữa, Ford phải dừng sản xuất, cho công nhân thôi việc và quay về bàn thiết kế. Và cũng một lần nữa ông đưa công ty về vị trí số 1 khi ra mắt Ford V-8, chiếc xe động cơ 8 xi-lanh.

Khoảng thời gian sau đó, vì sức khỏe giảm sút, ông giao trách nhiệm quản lý công ty cho người con trai duy nhất, Edsel Ford. Đến năm 1943, Edsel bị bệnh qua đời và ở tuồi 80, Henry Ford phải quay lại điều hành công ty cho đến khi người cháu trai về tiếp quản. Ông mất 4 năm sau đó vì xuất huyết não. Hàng nghìn người đến viếng ông, các nhà máy đóng cửa trong khi hàng triệu công nhân mặc niệm tưởng nhớ người đã dạy dân Mỹ lái xe.

Ông có một câu nói nổi tiếng:

“Khi mọi thứ dường như đang chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh ngược chiều gió, chứ không phải thuận chiều”.

Khó khăn cho đến cuối cuộc đời, ông vẫn chưa bao giờ gục ngã, chưa bao giờ từ bỏ. Chính lòng kiên trì đó đã tạo nên một huyền thoại – Henry Ford.

(nguồn ndh.vn)