Lưu trữ cho từ khóa: bình thản

Chuyện đời vô thường chợt đến chợt đi, càng ôm giữ nhiều càng đau khổ

Vô thường là gì? Nhân sinh thiên tượng biến đổi đó là trạng thái bình thường của thế gian. Cuộc sống chính là như vậy, thời gian như nước trôi, vạn vật luôn biến chuyển, được mất vô thường, phúc họa đan xen.

Những thứ dù có đẹp đẽ, con người cũng khó mà giữ lâu được, cái nên đến sẽ đến, nên đi sẽ đi, tất cả hãy tùy duyên. 

Chúng ta hiểu rằng, cuộc đời này sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều người, trải qua rất nhiều chuyện, nhưng duy chỉ có một thứ lại không muốn đụng vào, chính là sự vô thường.

Tác giả Điền Duy từng viết trong tập “Hoa Điền Nửa Mẫu” rằng: “Nuối tiếc là chuyện bình thường, cô độc cũng là chuyện bình thường, sinh ra vốn là để nhấm nháp khổ đau, sinh ra là để nhìn rõ sự vô thường biến đổi”. Trong cuộc sống, có những người, những chuyện, một giây trước vẫn như vậy nhưng chỉ giây sau đã đổi thay.

1. Khi đã hiểu được vô thường là gì, tất sẽ không khoe khoang

Khúc ca “Hận Vô Thường” trong tác phẩm nổi tiếng “Hồng Lâu Mộng” có một câu: “Đang vui vẻ thì vô thường chợt đến”. Cuộc đời con người cũng như vậy, dù cả đời vinh hoa phú quý, cũng không tránh khỏi phúc họa sớm tối, sinh tử vô thường.

Vào thời Xuân Thu, Ngô vương Phù Sai lập chí báo thù cho cha mình, đánh bại Việt Quốc. Nhưng ông ta sau đó ham vui khoái lạc, cuối cùng bại trận dưới tay thuộc hạ là Việt Vương Câu Tiễn, vì quá xấu hổ, sau khi mất nước, ông đã tự sát.

Cuộc đời vô thường là vậy, bạn sẽ không biết được ngày mai ra sao. Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây, thế sự vô thường, vậy nên chớ vội khinh người, chớ phụ mình, chớ khoe khoang.

Câu chuyện về nỗi nhục chui háng của Hàn Tín có lẽ ai ai cũng biết. Khi đó Hàn Tín rất nghèo, phải đi xin ăn cùng với mẹ. Lúc đó có một đồ tể nói với Hàn Tín rằng: “Ngươi dáng người tuy cao, còn thích đeo kiếm, nhưng lá gan của ngươi lại rất nhỏ. Ngươi dám dùng kiếm của ngươi để đâm ta không? Nếu không dám, vậy thì bò qua dưới háng của ta đi!”

Hàn Tín quả nhiên đã bò dưới háng người đồ tể đó. Nhưng thế sự vô thường, nhiều năm sau, Hàn Tín trở thành vương hầu, nhưng tên đồ tể đó vẫn chỉ là một đồ tể.

Vô thường là gì? đó chính là sự bình thường của cuộc sống, bạn sẽ không bao giờ biết một giây sau sẽ xảy ra chuyện gì. Nhưng phải tin tưởng rằng không có gì xấu mãi mãi, cũng không có gì tốt mãi mãi, đó chính là cuộc đời vô thường.

2. Cuộc đời vô thường, hãy thích ứng với nó

Đời người vô thường, trầm bổng nhấp nhô khó tránh, hãy thích ứng với nó mới là thái độ đúng nhất. Tô Thức (1037 – 1101), tự Tử Chiêm, hiệu là “Đông Pha cư sỹ”, là một đại thi hào lỗi lạc nhất của lịch sử Trung Hoa thời Bắc Tống. Ông từng bị Vương An Thạch vu cáo, bị ép phải rời khỏi kinh và lưu đày sống bên ngoài. Trong thời gian bị trục xuất, Tô Thức lại coi như không có gì, cùng bằng hữu hái rau quả, bắt cá, ủ rượu.

Khi bị giam ở Hoàng Châu, ông từng viết: “Trường Giang quanh co toàn cá đẹp, tre rậm đầy non ngát hương thơm”. Tuy nơi này dân cư thưa thớt, thị trấn hoang vu lạc hậu, ông vui vẻ chấp nhận, cất nhà, trồng rau, đào giếng, cày ruộng, vui cảnh điền viên. 

Sau đó lại bị lưu đày đến Huệ Châu, Tô Thức viết: “Ngày ăn vải thiều ba trăm quả, không ngại làm dân đất Lĩnh Nam”. Ông tự an ủi chính mình, cuộc sống dù có tệ, cũng có đồ ăn ngon để dùng. Cho dù cuộc sống có lận đận cỡ nào, ông cũng có thể không quan tâm thiệt hơn, thuận theo hoàn cảnh, thích ứng hoàn cảnh.

Đời này của chúng ta luôn gặp phải những khó khăn không biết giải quyết thế nào, có thể lúc đó khó mà chấp nhận. Nhưng sau khi qua một khoảng thời gian, chúng ta bỗng dưng cảm thấy mọi thứ đều là sự sắp xếp tốt nhất.

3. Vô thường là gì? Ấy chỉ là trạng thái bình thường của cuộc sống

Không có cuộc đời nào mà không thay đổi, cũng không có cuộc đời nào ngàn năm như một. Một năm bốn mùa thay đổi, thời tiết khác nhau, một đời vui buồn lẫn lộn, mọi thứ đều nếm trải.

Cuộc đời vô thường vẫn hay đến trong lúc không ai ngờ tới, có lẽ là lúc sự nghiệp đang hưng thịnh đột nhiên sụp đổ, là lúc hai người ước hẹn mãi bên nhau bất đắc dĩ phải rời xa, là lúc người bạn đời đồng hành bất ngờ mất đi…

Mọi thứ thuận theo tự nhiên mới có thể duy trì được nội tâm bình yên và tĩnh lặng trong thế giới vô thường này. Không nên cố chấp vào sự hoàn hảo, Trăng tròn rồi cũng khuyết, vạn vật chuyển hóa, hoa tươi rồi cũng héo, nước đầy rồi cũng tràn.

Như câu trong “Bán Bán Ca” của Lý Mật Am có viết: “Rượu nửa say nửa tỉnh vừa đủ, hoa nở he hé vừa xinh”.  Vậy đời vô thường là gì, nó chỉ là trạng thái bình thường của sinh mệnh, không thể tránh khỏi, cũng không thể che giấu.

(nguồn tinhhoa)

Đường xa mới biết ngựa hay, ở lâu mới hiểu sự thẳng ngay của lòng người

Lòng người vốn là thứ dễ đổi thay, lại luôn biến hóa khôn lường. Bởi vậy, muốn hiểu rõ một người tốt xấu cần phải có thời gian, đây cũng là thước đo lòng người chính xác nhất.

Rồi đến lúc bạn sẽ thấy, nhân sinh chính là như vậy…

Vừa mới nói đấy mà đã thay đổi, vừa mới nghe đấy mà đã lạnh lùng, vừa mới nhìn đấy mà đã chán ghét rồi. 

Theo đuổi đấy nhưng rồi lại hững hờ, yêu thương đấy nhưng rồi lại phai nhạt, cứ nghĩ ngợi nhưng rồi cũng như không… 

Thời gian đã làm phôi pha tình cảm và ký ức, dịu dàng đấy, ác liệt đấy, rồi cũng hóa hư không. Cảnh vật đổi thay, vụt qua phút chốc, con người rồi cũng biến đổi không còn như trước nữa. 

Thời gian trôi qua không bao giờ là uổng phí, nó nghiệm chứng nhân tâm, chứng kiến nhân tính, giúp bạn hiểu được sự thật, phân biệt giả dối. 

Không có gì không thể vượt qua, chỉ sợ không tìm thấy chính mình

Quả thật, lúc nào bạn cũng lo lắng sợ mất đi những người thân yêu bên mình. Nhưng có lẽ bạn lại quên hỏi: “Liệu có ai sợ mất đi mình không?” 

Nhân sinh, cứ cố gắng, cứ trân trọng, sống không thẹn với lương tâm là được rồi! 

Đời người ngắn ngủi, trong cuộc sống cũng không cần phải quá so đo, cũng không cần phải quá coi trọng lợi hại, được mất. 

Bạn càng quan tâm thì lại càng quẩn quanh trong được và mất mãi không dứt. Nếu như có thể xem nhẹ, tâm khoáng đạt rồi thì những cái gọi là được mất cũng không cần để tâm đến nữa. 

Tha thứ là một loại lý tính, thể hiện ra là một người có tu dưỡng và khí độ. Tha thứ cho người khác, kỳ thực cũng là mở một con đường cho chính mình.

Người biết tha thứ mới có thể đạt được hạnh phúc. Sở dĩ nói như vậy vì có được là do may mắn, mất đi cũng là do trong mệnh đã định như vậy rồi.

Đời người có hai việc quan trọng nhất…

Một là phải học được cách lựa chọn, hai là phải học được cách buông bỏ. Vận mệnh của chúng ta, quyết định bởi sự lựa chọn của chính chúng ta. 

Tất cả lựa chọn đều chứa trong nó mối nguy hiểm, tất cả lựa chọn đều phải trả giá thật nhiều, mấu chốt là ở chỗ bạn muốn gì, muốn buông bỏ cái gì?

Buông bỏ không phải là chịu thua, cũng không phải là đầu hàng, mà đó là một sự lựa chọn quan trọng. Không biết buông bỏ thì cũng không thể lựa chọn được.

Phía trước không lối vẫn cố đi vào, sao không lựa chọn lùi một bước, mở ra cho mình thêm một con đường, cho mình thêm một sự lựa chọn.

Nhân sinh vốn đơn giản, phức tạp là do lòng người.

(nguồn tinhhoa)

Cao thủ thực sự không phải trí tuệ hơn người, mà là khống chế được cảm xúc

Cảm xúc không ổn định sẽ hại người hại mình, khống chế được cảm xúc là tu dưỡng lớn nhất của một người.

Tại Trùng Khánh, Trung Quốc trước đây từng phát sinh một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Người đàn ông họ Lưu bởi vì bị lỡ mất một trạm dừng, cảm xúc nhất thời không khống chế được mà phát sinh tranh chấp với lái xe, làm cho xe buýt mất lái lao xuống sông, khiến mười mấy người trên xe mất đi sinh mệnh.

Chỉ là một việc nhỏ nhưng do không biết cách kiềm chế cảm xúc của bản thân mà đã gây ra hậu quả nặng nề. Thứ đáng sợ nhất không phải ở biểu hiện bề ngoài mà là thứ ẩn chứa trong tâm hồn của mỗi người. Vậy vì sao mà người ta lại có cảm xúc không tốt như vậy?

1. Cảm xúc không tốt, là do tầm nhìn quá hạn hẹp

Trong “Trang Tử . Sơn mộc” có kể lại một câu chuyện: Một người đi thuyền qua sông, thấy phía trước có thuyền muốn đụng vào. Người này liền lớn tiếng chửi ầm lên, mắng đối phương không có mắt.

Chờ đến khi thuyền đụng nhau rồi, thì lại phát hiện trên thuyền kia không có người, là cái thuyền trống không. Vừa rồi lửa giận còn ngùn ngụt, bây giờ đã lập tức biến mất không còn chút dấu vết.

Vậy hóa ra, tức giận không phải là do việc đụng phải chiếc thuyền, mà là trên thuyền có người hay không. Một sự việc làm tổn thương bạn, nhưng bạn có nổi giận hay không, phát hỏa hay không, lại không quyết định bởi bản thân sự việc, mà chính là ở đối phương!

Trên thế giới luôn có những người như vậy, luôn cho rằng “Người này rõ ràng coi thường ta!”; “Người này rõ ràng tổn thương ta!”, “Không được, ta nhất định phải tìm người kia để đòi công lý”. Cảm xúc cũng vì vậy mà bùng nổ.

Nhưng vấn đề là, bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Chúng ta cả đời này có thể gặp được đủ các loại người, nếu như đều cùng họ tranh đua, tức giận, vậy thì không xong rồi.

Không cần phải tranh luận rõ đúng sai, nhân sinh trên đời, khó tránh khỏi có góc nhìn người và sự việc khác nhau. Thoải mái, thả lỏng tinh thần, cứ cười cho qua là được rồi.

Một người không thể nhìn người và sự vật dưới nhiều góc độ khác nhau, chứng tỏ người này có tầm nhìn rất hạn hẹp.

Cao thủ thực sự, thì sẽ coi tất cả người và việc đều là “thuyền không” để xử lý, có thể nhanh chóng điều chỉnh chính mình, không ngừng mở rộng tầm nhìn của bản thân.

2. Cảm xúc không tốt, là do cái tôi quá lớn

Một người nếu không quá xem trọng bản thân, vậy ai có thể làm cho anh ta phẫn nộ, ai có thể làm cho anh ta tức giận được.

Một người có lòng tự ái quá mạnh mẽ, ý thức về bản thân quá lớn, người khác chỉ hơi chút mạo phạm, anh ta lập tức sẽ bật ngược trở lại ngay.

Khi buông hạ cái tôi xuống, đứng tại góc độ của người khác mà suy nghĩ, lý giải và khoan dung thì sẽ thấy một cảnh tượng hoàn toàn khác.

Hai chiếc thuyền chạm vào nhau, câu hỏi đầu tiên không phải là mắng chửi người khác, mà là hỏi: “Bạn có sao không?”. Bạn coi đối phương như một chiếc ‘thuyền không’, như vậy thì làm sao còn xảy ra tranh chấp được nữa?

Buông hạ chấp trước, tự nhiên mọi chuyện sẽ không có tranh chấp, mọi việc cũng sẽ được khai thông.

3. Cảm xúc không tốt, là do bản thân ham muốn quá nhiều

Dục vọng của con người là vô tận, nếu như chúng ta lấy việc thỏa mãn dục vọng làm niềm vui, vậy thì khi dục vọng không thể thỏa mãn được nữa thì sự vui vẻ cũng theo đó mà mất đi.

Cho nên những bậc thánh hiền cổ đại cũng đều khuyên chúng ta rằng, dục vọng quá nhiều là nguồn gốc của thống khổ.

Cuộc sống càng đơn giản thì bước đi càng nhẹ nhàng. Rất nhiều người suốt ngày tranh danh đoạt lợi vô cùng mệt mỏi. Những thứ kia đến chết cũng không thể mang theo được, có nhiều hơn nữa thì có làm được gì đâu?

Trang Tử từng nói: “Chí nhạc vô nhạc, chí dự vô dự”  ý tứ là, sung sướng cực điểm ở chỗ không vui cười, danh tiếng cực điểm ở chỗ không có tiếng tăm.

Vui sướng thực sự chính là hòa hợp với tự nhiên, là hợp nhất với trời đất. Loại vui sướng này thì không có vật chất hay địa vị nào có thể so sánh được, điều này quyết định bởi cảnh giới và trí tuệ của một người.

(nguồn tinhhoa)

Đằng sau sự ưu tú của một người là muôn vàn gian khổ phải vượt qua

Một người thành công không thể nào bỏ qua tính tự kỷ luật. Người có kỷ luật chính là người có thể làm chủ được bản thân của mình, không làm nô lệ của dục vọng.

Người ôm chí lớn trong lòng, xưa nay thường là người rất tự kỷ luật. Người biết tự kỷ luật, vừa đáng sợ, vừa đáng kính, nếu như là bạn đồng hành, bạn sẽ học được tính tự kỷ luật từ họ; nếu như là đối thủ, bạn phải chuẩn bị tâm lý thật đầy đủ.

Trước đây vẫn luôn cho rằng đường đời ngắn ngủi, phải kịp thời hưởng lạc. Ngày nay có câu “rượu hôm nay, hôm nay say, người không phong lưu lãng phí tuổi trẻ”. Cho đến sau này, mới dần dần phát hiện, mỗi một hành vi không tự kỷ luật, đều sẽ đem đến cho bạn đau khổ càng lớn hơn. 

Con người vì sao phải tự kỷ luật?

Rất nhiều lúc chúng ta chỉ nhìn thấy sự ưu tú ở bề mặt của người khác, mà thường bỏ qua nỗ lực đến mức như tự làm khổ mình của họ.

Một người tự kỷ luật đến tận xương tủy, nhìn bề ngoài tưởng chừng là vô vị. Trong lúc người khác đi vui chơi thì một mình ở tại chỗ đọc sách; khi người khác tận hưởng thức ăn ngon thì ở trong phòng thể dục mồ hôi ra như mưa; vào cuối tuần, rất nhiều người lười biếng ngủ tới trưa, anh ấy vẫn y như trước mà dậy sớm, chạy bộ, đọc sách, làm việc,…

Người như thế, không chỉ trông có vẻ vô vị, thậm chí cảm giác như có xu hướng tự làm khổ, sống không có chút thoải mái và tự do. Nhưng sự thật là người biết tự kỷ luật tự do hơn rất nhiều so với người không tự kỷ luật.

Nếu như bạn mải mê tùy ý ham muốn, lúc phải để tâm thì lo vui chơi, không biết tự nỗ lực, người khác chơi bạn cũng chơi, người khác nỗ lực bạn vẫn đang chơi, vẫn phóng túng bản thân như trước. Như vậy, người không có kỷ luật như bạn, bây giờ nhìn thì có vẻ là tự do, nhưng bạn sẽ phát hiện bản thân càng sống càng không có tự do, bởi vì luôn bị những thứ dục vọng điều khiển, chi phối.

Có người từng nói: “Cái gọi là tự do không phải tùy ý ham muốn, mà là biết tự làm chủ”. Càng tự kỷ luật, lời nói càng có trọng lượng, thân thể và đường đời cũng vậy.

Một ngày, hai ngày có thể nhìn không ra, một tháng, hai tháng có lẽ vẫn chưa nhìn ra, nhưng một năm, hai năm, thậm chí mười năm, hai mươi năm, người tự kỷ luật và người không tự kỷ luật, rốt cuộc sẽ đi trên con đường khác nhau.

Cho đi và nhận lại là cân xứng, khi lượng biến đổi đủ rồi mới có thể thay đổi chất. Đây là lý do vì sao một người phải tự kỷ luật, ở bên cạnh mơ ước của mình, chính là đơn giản vì tương lai của bản thân có thể thực sự tự do một chút, đối với cơ thể và đường đời đều tự do một chút.

Đúng vậy! Người càng tự kỷ luật càng hiểu rõ bản thân thực sự muốn điều gì, cho nên mới không thể đem thời gian và sức lực lãng phí một cách không có ý nghĩa, mà thực sự tận dụng từng li từng tí thời gian để giúp bản thân trưởng thành

Càng tự kỷ luật, càng ưu tú

Rất nhiều người cứ nói phải tự kỷ luật, nhưng người có thể kiên trì mà tự kỷ luật rất ít, cũng giống như leo lên một ngọn núi cao hiểm trở, càng lên gần đỉnh núi, số người có thể nỗ lực kiên trì tiến về phía trước càng ít. Kiên trì tốt chính là một loại tự kỷ luật.

Tác giả người Nhật Bản Haruki Murakami bắt đầu viết lách từ tuổi 30, đến nay đã sắp viết được 40 năm, sáng tác ra một lượng lớn tác phẩm kinh điển mang giá trị cao.

Haruki Murakami có thói quen viết lách, mỗi ngày ông chỉ viết 4000 chữ, một trang giấy 400 chữ, mỗi ngày viết được 10 trang thì dừng lại.

Ngoài ra, mỗi ngày ông có thể dành ra một tiếng đồng hồ ra ngoài chạy bộ, kiên trì như vậy, chính là một loại tự kỷ luật cao độ, để đủ sức lực tiếp tục tạo ra các tác phẩm ưu tú.

Sự tự kỷ luật của thương nhân càng đáng sợ hơn, tỷ phú Lý Gia Thành đã thành công đến thế, nhưng vẫn kiên trì thói quen như trước, mỗi ngày sau khi ăn cơm tối thì xem ti vi tiếng Anh, không chỉ xem, còn lớn tiếng đọc ra, sợ bản thân bị tụt hậu; mỗi ngày trước khi đi ngủ vẫn kiên trì đọc sách.

Những thương nhân thành công có tính tự kỷ luật như Lý Gia Thành rất nhiều. Bill Gates trong mấy mươi năm nay vẫn kiên trì mỗi tuần xem ít nhất hai quyển sách.

Rất nhiều trường hợp không phải ưu tú mới tự kỷ luật, mà là bạn tự kỷ luật rồi, mới có thể trở thành ưu tú. Như vậy, những người tự kỷ luật đó ngay cả trời cao cũng không nỡ lòng bỏ rơi họ.

Người thực sự có thể trông ra xa, trèo lên đỉnh cao, luôn luôn là người không mông lung, kiên trì mà tiến về phía trước. Mong rằng chúng ta thực sự trở thành người biết tự kỷ luật, đạt được cuộc sống chúng ta mong muốn.

Đường đời không có con đường nào gần, nhưng mỗi bước bạn đi đều có ý nghĩa. Càng cố gắng, càng nỗ lực, càng tự kỷ luật, càng ưu tú.

(nguồn tinhhoa)

7 phẩm chất thường thấy ở những người thượng đẳng

Một người là thượng đẳng hay hạ đẳng không phụ thuộc vào sự giàu có hay địa vị xã hội, mà chính là nằm ở tầm nhìn và sự tu dưỡng.

Đối với một người thượng đẳng mà nói, chúng ta thông thường có thể tìm thấy ở họ có 7 phẩm chất sau:

1. Người thượng đẳng thường giúp nhau thành công 

Người hạ đẳng, phần lớn chỉ chú ý đến cái lợi trước mắt, so đo tính toàn từng chút một, con đường bước đi cũng vì thế mà càng ngày càng chật hẹp.

Ngược lại, người thượng đẳng biết nhìn xa trông rộng, không vì cái lợi trước mắt mà làm hỏng đại sự lâu dài, biết hợp tác với nhau để cùng tiến bộ. 

Trong sinh mệnh của chúng ta, ngoài việc phải chiến thắng người khác, đè nén người khác, vượt xa người khác, thực ra chúng ta còn có thể thành tựu người khác. 

Con người là một quần thể hỗ trợ lẫn nhau, cũng chỉ có thành tựu lẫn nhau mới có thể nhìn thấy trời cao biển rộng. 

2. Người thượng đẳng rất thích đọc sách 

Từng có người thỉnh giáo rất nhiều vấn đề với nhà văn Dương Giáng, bà đã nói một câu như sau: “Vấn đề của anh là đọc sách quá ít mà lại nghĩ quá nhiều”.

Tương lai một cá nhân có thể trở thành người như thế nào, thì trong đầu chứa đựng những kiến thức gì là điều rất quan trọng.

Trong lòng có sách vở tự nhiên mặt mũi sáng sủa, một người hay đọc sách, khí chất tự nhiên mà xuất chúng. Thi nhân Hoàng Sơn Cốc cũng nói: “Người không đọc sách sống nơi trần tục, soi gương sẽ thấy khuôn mặt khó ưa, nói chuyện thì rất vô vị”.

3. Người thượng đẳng rộng lượng khoan dung

Trong “Truyện ngụ ngôn Aesop” có kể lại một câu chuyện như sau: Lúc đó Thần Prometheus phụng mệnh Thần Zeus tạo ra con người, cố ý treo trên mỗi người hai cái túi: Cái túi trước ngực là khuyết điểm của người khác, túi sau lưng là khuyết điểm của bản thân mình.

Người hạ đẳng, vĩnh viễn chỉ có thể nhìn thấy cái túi trước ngực mình. Muốn nhìn thấy cái túi sau lưng mình, cách duy nhất là phải đề cao trình độ của bản thân. 

Mà những người chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác, trong nội tâm sẽ tràn ngập sự cay nghiệt. Chỉ khi nhìn thấy được khuyết điểm của bản thân rồi, thì mới có thể hiểu được thế nào gọi là khoan dung.

Điều mà một bậc quân tử chân chính quan tâm, chính là xem xét bản thân mình sau một quá trình có trưởng thành lên được chút nào không.

4. Người thượng đẳng có thể kiên định chính mình

Một người chỉ có kiên định mới không bị nước chảy bèo trôi, làm việc mới không bị phân tâm, có thể tập trung toàn bộ tinh lực để hoàn thành công việc.

Mỗi người sinh ra trên đời này đều đã có một vị trí thích hợp dành cho bản thân, vị trí này từ sớm đã được chuẩn bị riêng cho bạn, chỉ chờ bạn đến để ngồi vào đó.

Mỗi người đều là độc nhất vô nhị, bản sự cũng là riêng biệt, vị trí cũng là duy nhất.

5. Người thượng đẳng tiến thoái có chừng mực

Người thượng đẳng hiểu được sự đúng mực, làm gì cũng có chừng có mực, không gây bất hòa, không ngạo mạn, luôn đứng ở một góc độ cao để nhận ra vị trí của mình, sau đó đưa ra những hành động phù hợp.

Biết rõ người cũng không nói hết, nói hết thì không có bạn bè. Trách người cũng không cần quá khắt khe, quá nghiêm khắc sẽ làm mọi người sợ mà tránh xa. Tôn kính người cũng không cần tỏ ra quá thấp hèn, quá khúm núm làm mất đi khí phách.

Một người biết giữ sự chừng mực, cũng là thể hiện trình độ cao hay thấp. Người hạ đẳng luôn làm cho người khác thấy nghẹn ở cổ họng, người thượng đẳng lại làm cho người khác cảm thấy thoải mái như đang tắm gió xuân. 

6. Người thượng đẳng biết quý trọng cuộc sống 

Romain Rolland có câu danh ngôn kinh điển: “Trên thế giới chỉ có một loại chủ nghĩa anh hùng thực sự, đó là sau khi nhận thức được bản chất của cuộc sống rồi, vẫn có thể sống nhiệt tình y như cũ”. 

Ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô xảy ra một vụ tai nạn xe cộ, người vợ lái xe không cẩn thận đụng phải cái chốt phòng cháy chữa cháy ở bên đường, xe bị lật làm người trong xe bị thương.

Theo lẽ thông thường mà xét, phát sinh sự việc nghiêm trọng như vậy, người chồng nhất định sẽ oán trách người vợ đã lái xe không cẩn thận, sau đó có thể là ầm ĩ một trận, nhưng mà sự thật lại ngoài dự đoán của mọi người. Sau khi xem xét lẫn nhau thấy không bị thương gì nghiêm trọng, hai vợ chồng vẫn vui vẻ chụp hình làm kỷ niệm.

Đối với người chồng này mà nói, mỗi sự kiện mà anh cùng vợ trải qua đều đáng để lưu làm kỷ niệm. Thật vậy, chỉ cần vẫn còn sống thì chuyện gì rồi cũng có thể giải quyết được.

7. Người thượng đẳng không sống qua loa 

Ở một vùng kia mới mở một cửa hàng nhỏ. Trước đó, các cửa hàng khác làm kinh doanh ở đây đều đã đóng cửa rồi. Trong cửa hàng này có một cặp vợ chồng trẻ, ở cửa ra vào có dán một tờ giấy màu hồng, trên đó viết tên của cửa hàng và đồ sẽ bán là màn thầu. 

Một bếp điện mỗi ngày hấp cũng không được bao nhiêu màn thầu. Hàng xóm nhìn thấy đều buồn thay cho họ, thời gian này thật là khó khăn. 

Nhưng thật không ngờ, mấy tháng trôi qua, người mua ngày càng nhiều, vì vậy trên tờ giấy hồng lại ghi thêm mấy chữ, còn có bán bột mì, kẹo tam giác và bánh bò. 

Lại mấy tháng trôi qua, lại dán thêm tờ giấy hồng nữa, bên trong có thêm bắp luộc, tương nhà làm, trứng vịt muối và dưa muối.

Đôi vợ chồng trẻ này như một cây cỏ mỏng manh rung mình trong mưa gió, trong mắt bọn họ, có cái gì gọi là tuyệt vọng không?

“Đường xa vạn dặm khởi đầu bằng một bước chân”. Có người chỉ đứng từ xa mà nhìn ngọn núi trước mặt, thấy nó thật cao lớn và không dám bước lên nữa; có người lại chọn tiến lên chầm chậm từng bước một. Điều không ngờ là càng đi thì đường càng rộng, và cũng không khó khăn như vẫn tưởng tượng.

(nguồn tinhhoa)